Dù lượn, dù kéo, dù nhảy, dù động cơ khác gì nhau

học bay dù lượn đồi thấp

Ngày nay có vô vàn nhiều chủng loại các môn dù quá, hầm bà lằng hết cả lên. Cứ thi thoảng lại có người nhầm dù lượn của chúng tôi thành các thể loại dù khác. Để tránh phải giải thích qua loa bằng miệng nữa, chúng tôi sẽ viết một bài tường tận ở đây, để hễ có ai hỏi thì có thể đọc một cách rõ ràng chuyên sâu.

Table of Contents

Dù lượn - Paragliding

Dù lượn (Paragliding) là một cánh máy bay không động cơ nhưng lại được làm bằng vải dù. Mặc dù có chữ “dù” nhưng nó được xếp vào thể loại các môn Free Flight, tức là các môn hàng không bay và lượn không dùng động cơ. Cùng họ với dù lượn còn có các môn Hanggliding (diều lượn) và Sailplane (tàu lượn).

Nguyên lý hoạt động của nó giống hệt như các máy bay mà tắt động cơ đi. Dù lượn có thể lướt xa đi được, trên cơ chế đánh đổi chiều cao lấy quãng đường. VD nếu cất cánh từ một đỉnh núi cao 1000m, bạn có thể lướt đi được khoảng 6-8 km, tùy chủng loại dù (và tùy gió).

Phi công dù lượn sẽ ngồi trong một chiếc Harness (đai), treo bên dưới cánh dù. Để cất cánh, người chơi thường lên một đỉnh đồi trọc, trải dù ra, và chạy về phía gió. Cánh dù lượn căng lên, hình thành biên dạng cánh máy bay, và bay ra không trung.

Dù lượn có thể đón các lực nâng trong không khí (thermal) để bay nhiều giờ trên trời, cao đến hàng ngàn mét, và đi xa hàng trăm km. Bản thân tôi cũng đã bay đến 135km từ Hà Nội vào Thanh Hóa mà không cần dùng đến động cơ.

Một bộ dù lượn hoàn chỉnh có thể gấp gọn lại vào một balo đeo trên vai, cả bộ nặng khoảng 10-20kg tùy chủng loại. Một cánh dù lượn bảo quản tốt có thể bay được nhiều năm.

Bạn có thể học một khóa dù lượn cơ bản trong 03 ngày với chi phí 12-18tr hoặc trải nghiệm bay đôi với chi phí khoảng 1tr6 – 1tr8.

Dù kéo cano - Parasailing

Dù kéo cano (Parasailing) là hình thức buộc người chơi vào một chiếc dù tròn (giống dù nhảy), gắn với hệ thống tời nhả dây và cho Cano kéo đi. Khi Cano chạy, chiếc dù (và người chơi) bị gió cản lại sẽ bay lên cao.

Dù kéo thường được chơi ở bờ biển. Mỗi lần chơi có thể bay lên cao khoảng 200-300m, toàn bộ quá trình luôn có dây buộc thòng lòng xuống thuyền. Chi phí mỗi lần chơi khoảng 500k – 1tr cho khoảng 10 phút.

Đây là hình thức “bay” nửa mùa nhưng dễ dàng và rẻ tiền cho cả người chơi lẫn các công ty kinh doanh. Do đó nó đã phổ biến cả 20 năm nay ở gần như tất cả các bãi biển. Đến ngày nay, môn này đang dần thoái trào vì dù lượn rõ ràng hay hơn nhiều: cao hơn, tự do hơn, không bị buộc dây, v.v.

Dù nhảy - Nhảy dù - Parachutting - Sky Diving

Nhảy dù (Parachutting / Sky Diving) là môn thể thao nhảy ra từ máy bay, rơi tự do trong vài giây rồi bung dù để hãm lực rơi. Dù nhảy thường được cấu tạo hình tròn, gần như không lái được, hoặc chỉ lái được rất hạn chế. Tốc độ rơi kể cả sau khi bung dù vào khoảng 3 – 6m/2 (tức 10-20km/h).

Vì tốc độ tiếp đất rất cao, nên phần lớn quá trình học nhảy dù đều liên quan đến việc tiếp đất. Thậm chí ngay cả khi làm đúng kỹ thuật 100%, vẫn có rủi ro chấn thương chân.

Khi đến các trình độ cao hơn (nhảy cao hơn, thời gian rơi tự do lâu hơn), người chơi phải học thêm các kỹ năng kiểm soát tốc độ và hướng khi rơi tự do. Ở cấp độ thấp, người chơi thường chỉ rơi tự do 1-2s và hệ thống dù cũng thường tự bật.

Một biến thể khác của môn này là Base Jumping, tức là nhảy ra từ một vách núi hay một công trình rất cao, thay vì từ máy bay.

Base Jumping

đây là bộ môn Base Jumping

Ở Việt Nam, chưa có Base Jumping cũng như Sky Diving (thời gian rơi tự do lâu). Chỉ có hình thức nhảy dù cơ bản từ trực thăng (thời gian rơi tự do 1-2s) do Quân đội mới tổ chức huấn luyện. Bạn có thể tham khảo các chương trình của CLB Hàng Không Phía Bắc hoặc CLB Hàng Không Phía Nam được tổ chức một năm một lần, với chi phí khoảng 5-10tr/ khóa. Vì số lượng huấn luyện rất ít nên thường phải đăng ký từ rất sớm.

nhảy dù tròn

                                 nhảy dù cơ bản từ trực thăng do Quân đội mới tổ chức huấn luyện

Dù lượn động cơ - Paramotor

Dù lượn động cơ (Paramotor) là một biến thể của dù lượn… phi công sẽ mang theo mình một động cơ cánh quạt, đủ sức tạo ra lực đẩy ngang, giúp cho cả hệ thống hoạt động được như một máy bay hoàn chỉnh. Phi công có thể cất cánh bằng chân và vác động cơ trên vai hoặc ngồi trong một khung có gắn bánh xe (Trike).

Paramotor có tính chủ động cao hơn dù lượn, có thể cất cánh từ mặt đất và bay không cần núi. Phi công cũng có thể bay lên cao hoặc bay đi xa mà không cần trông đợi vào kỹ năng cũng như điều kiện thời tiết phù hợp (có thermal) như dù lượn.

Tuy nhiên, Paramotor tốn xăng, gây ô nhiễm, mang vác nặng, gây ra tiếng ồn lớn, và chi phí mua và bảo trì lớn hơn nhiều so với dù lượn.

Ở Việt Nam, phong trào Paramotor đang có sự phát triển nhất định trong vài năm gần đây, dẫn đầu là cộng đồng ở Hạ Long, Quảng Ninh.

Để học Paramotor, bạn nên học một khóa dù lượn. Trước khi vác 30kg kéo dù thì bạn cần thành thạo … vác 5kg kéo dù đã.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *