Intermediate Syndrome là gì?

ảnh học viên bay dù ở độ cao 3000m

Là giai đoạn mà kiến thức kỹ năng có một ít đủ để đẩy tự tin lên rất cao, nhưng kiến thức kỹ năng đó lại chưa đủ để nhìn ra hết các rủi ro.

Table of Contents

Intermediate Syndrome là gì?

Nói nôm na, nó là hội chứng tự tin thái quá những người ở giai đoạn trung cấp mắc phải. Đó là giai đoạn mà kiến thức kỹ năng có một ít đủ để đẩy tự tin lên rất cao, nhưng kiến thức kỹ năng đó lại chưa đủ để nhìn ra hết các rủi ro.

Thông thường (không chỉ với riêng dù lượn nhé), một phi công mới chập chững tập bay sẽ rất cẩn thận vì họ cảm thấy mình chưa biết nhiều. Khi giỏi hẳn, họ cũng rất cẩn thận vì họ đã nhìn thấy quá nhiều, đã trải qua quá nhiều, họ nắm rất rõ các rủi ro các hạn chế. Giai đoạn nguy hiểm nhất đối với hầu hết các phi công là giai đoạn trung cấp (intermediate). Các phi công ở giai đoạn này thường có tố chất, có năng khiếu, học nhanh, tiến bộ nhanh, có các thành tích tốt, nhưng khi chưa tận mắt chứng kiến hoặc chưa tự trải qua các tình huống nguy hiểm…

Thực tế đúng như vậy. Nực cười mà nói, các tai nạn dù lượn hầu như lại không xảy ra đối với các học viên mới, hoặc các phi công chiến; phần lớn lại tập trung vào nhóm đối tượng “trung cấp”. Tôi đã tận tay đọc và thống kê các vụ tai nạn chết người của dù lượn Mỹ, đến 70% các vụ xảy ra ở cấp độ P2 P3 …

Thế giới đã biết đến hiện tượng này bao lâu nay. nhưng phi công Intermediate thì vẫn chết đều đều … tại sao?

Điều tệ số 1:

Hội chứng này xảy ra ở cấp độ tiềm thức (sub-conscious), nên mặc dù kể cả lý trí của họ công nhận và hiểu về hội chứng này, họ vẫn sẽ đối diện với “sự tự tin trong tiềm thức”, hay như tôi hay gọi là “cái tiếng nói khẽ trong đầu” luôn hối thúc, luôn cám dỗ mình tiến lên, bay các đường bay, các kỹ thuật rủi ro hơn.

Chính tôi cũng đã trải qua hiện tượng này. Thực tế là tôi đã suýt chết vì nó (đọc bài Bad Exit Spiral ). Cái tiếng nói nhỏ nhẹ khẽ ấy rất rất nguy hiểm … Nó thay đổi quan điểm, hối thúc mình hành động mà mình còn ko hề biết.

Hôm nọ, phi công 2K (một phi công rất gương mẫu) của CLB tôi đi xa sang bên trái vách núi Linh Trường, không trở về được và phải hạ khẩn cấp ở bên đó. Lúc ra quyết định đi về phía đó, trong đầu 2K nghĩ gì? Anh ấy là một người thông minh, lý thuyết nắm chắc, có kinh nghiệm nhất định, tôi ko tin là anh ấy tính toán sai hoặc ko nắm được rủi ro ko về được. Anh ấy cũng là một phi công rất có ý thức (gọi vui là rất ngoan ấy), tôi cũng ko tin là anh ấy chủ định cố tình vi phạm mà bay liều … Khả năng là, anh ấy đã bị chi phối bởi cái tiếng nói khẽ tiềm thức kia. Anh ấy tò mò, tự tin, máu thành tích, và trước khi ý thức được việc mình sắp làm, tiềm thức đã kéo anh ấy đi về hướng ấy

Điều tệ số 2: Nguyên lý 101!

Dù lượn thuộc vào nhóm các môn chơi “rủi ro thấp – hậu quả lớn”. Tức là bạn có thể bay liều 100 lần ko sao, nhưng chỉ cần dính 1 lần xui thôi, là hậu quả có thể khôn lường (tử vong). Với các môn chơi “rủi ro thấp – hậu quả lớn” như thế này, lý trí và tiềm thức chúng ta hay bị đi ngược nhau. Lý trí thì có thể tính toán rủi ro rồi nhắc nhở rằng, nếu tạch thì ghê quá, phải cẩn thận thôi … nhưng tiềm thức thì vẫn dần dần có cái cảm giác “chắc ko sao đâu” khi thấy nhà nhà người người bay liều mà vẫn sống nhăn răng.

Nguyên lý 101 là gì? Là … bạn có thể bay liều 99 chuyến và ko hề sao. Thậm chí bay chuyến thứ 100 cũng ko sao. Bạn (và tiềm thức bạn) có cảm giác bay liều cũng ko sao. Nhưng rất có thể chuyến thứ 101 sẽ là chuyến định mệnh…

Con số 100 mang tính tượng trưng … có người thì xảy ra ở gần 40 50, có người thì ở 200 300 … nhưng chắc chắn nếu bay liều thì sớm hay muộn nó cũng xảy ra.

Giá như thằng nào bay liều nó gặp tai nạn ngay lập tức thì chúng ta rất dễ nói chuyện … nhưng khổ cái tai nạn thường đến sau …

Vậy lối ra nào cho hội chứng trung cấp này?

Khi nguyên nhân là các cognitive bias tâm lý học thì không thể trông chờ vào cá nhân để cải thiện được. Đâu đó trong cộng đồng dù lượn thế giới có xu hướng rất đẩy mạnh yếu tố cá nhân. Một mặt tốt là nó nâng cao sự chủ động, tính trách nhiệm … ông phải có trách nhiệm với thiết bị của ông, trình độ của ông v.v.

Trong vấn đề Intermediate Syndrome, đây là cách chúng tôi áp dụng:

Nhưng cá nhân tôi cho rằng chủ nghĩa cá nhân trong dù lượn không phải là điều tốt. Vì có những mảng cá nhân ko nên và ko thể làm tốt như tập thể được, VD điểm hình là Intermediate Syndrome này. Không thể trông vào bản thân từng ông phi công đang máu, đang sung sức, chưa có kinh nghiệm, đầu óc đầy bias để tự giữ an toàn cho các ông ấy được. Phải dùng tổ chức, dùng tập thể, quản lý chéo! Đây có lẽ là một thế mạnh của chúng tôi. Quân đội mà …

Tăng yếu tố thị giác, độ ghê rợn, để tiềm thức mỗi học viên đánh giá đúng mực hơn về các rủi ro họ chấp nhận khi chơi môn dù lượn … nôm na là kéo họ về mặt đất

Không đặt các yếu tố thành tích lên giai đoạn đầu, mà nên khuyến khích kỹ năng. VD: level P2 mà đi đọ điểm XContest thì không khác nào đàn ông đi đọ tí ai to hơn.

Nhanh chóng tăng cường kỹ năng, các biện pháp phòng trách, để khi phi công đối mặt với rủi ro, họ có kiến thức và kỹ năng để xử lý … dĩ nhiên ko ai tự đẩy mình vào sự cố để học cả … mà chúng ta phải lập ra các môi trường an toàn, và thứ tự các kỹ năng tăng dần đều để ai cũng tiến bộ mà không bị sốc thuốc.

Có bộ khung tiêu chuẩn an toàn bay quy định rõ rất chi tiết, từng tý một. Để khi vào hoàn cảnh quyết định, người chỉ huy không phải lăn tăn về việc có nên cho bay hay cho dừng bay … Điều kiện cứ không đạt tiêu chuẩn là không bay. Lắm lúc sẽ hơi máy móc một chút, nhưng cẩn thận thừa hơn thiếu … và bộ quy định tiêu chuẩn cũng dần được cập nhật để thực tế hơn, vừa an toàn mà vừa hiệu suất.

Phân tích, thuyết phục, động viên, nịnh khéo, v.v.

Cuối cùng, nếu tất cả các biên pháp trên vẫn chưa đủ, sử dụng vũ lực. “Quân lệnh như sơn” mà.

Lắm lúc tôi thấy chúng tôi cũng dở hơi … không cho học viên bay thì mình được gì? Vừa tiếc công đi huấn luyện, vừa bị chính học viên kêu vì ít được bay / hoặc bị bay giới hạn. Nhưng thời gian sẽ trả lời tất cả. Vài năm nữa, khi nhìn lại, tổ chức của chúng ta vừa bay tốt mà vừa an toàn, hồ sơ sạch bóng tai nạn … các bạn có lẽ sẽ cảm ơn chúng tôi.

Tôi đã may mắn vượt qua giai đoạn Intermediate của mình lành lặn một cách rất may mắn … sau vài pha cũng hú vía … mây hút, bay sau núi, thổi lùi, rơi, v.v. Tôi không muốn thêm ai khác nữa phải trông vào may mắn để vượt qua giai đoạn này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *