Chơi dù lượn cần có những trang thiết bị gì?

những cánh dù lượn nhiều màu sắc, nhiều kiểu dáng bay trên bầu trời

Giữa muôn vàn các mẫu mã chủng loại đa dạng, giữa mênh mông các băng đảng dealer khát máu, đâu là lối ra để lựa chọn cho mình món đồ phù hợp?

Table of Contents

Tìm hiểu về cánh dù lượn – Paraglider

Cánh dù lượn (paraglider): là “đôi cánh” của toàn hệ thống, đóng vai trò quan trọng nhất đối với chất lượng và sự an toàn của chuyến bay. Cánh dù lượn khi bơm đầy gió có dạng “airfoil” ở mặt cắt ngang, có hình vòng cung khi nhìn từ ngoài vào, cấu tạo gần giống với một cánh máy bay thực thụ.

Nguyên lý hoạt động của nó giống như những chiếc máy bay khi tắt động cơ đi, đánh đổi độ cao lấy quãng đường để “glide” đi xa. Nếu một chiếc Boeing 777 khi tắt động cơ có thể lượn 1:20, một cánh dù lượn có thể lượn 1:6 đến 1:12 tuỳ cấp độ.

Để chọn cánh dù lượn phù hợp, bạn hãy đi theo thứ tự các tiêu chí như sau: loại dù (VD: xe tay côn, hay xe tay ga, hay xe số?)

  • Chọn đúng cấp độ dù (VD: xe 100cc, hay xe 125cc, hay xe 250cc?)
  • Chọn đúng size dù (VD: … ờ cái này khó … không ví dụ được)
  • Chọn Hãng và Dealer đẹp trai nhất (BGD đẹp quá!!)

Sau đây chúng ta đi vào từng ý một.

Lựa chọn chủng loại dù lượn

Là học viên đang tìm cánh dù đầu tiên, bạn hãy chọn dù … “THƯỜNG”!

Trong lịch sử phát triển, rất nhiều dòng dù đã được phát triển ra: Dù thường, dù đường trường, dù nhào lộn, dù nghịch, dù leo núi, dù bay đôi, dù Paramotor, v.v. Nghe thì phức tạp thế thôi, nhưng đối với bạn là một khi công mới thì sự lựa chọn quá đơn giản. Hãy chọn các dù “thường”!

Một số thuật ngữ tiếng anh nói về các dù “thường” này là: First Wings, School Wings, Progression Wings, Beginner Wings. Dỹ nhiên có thể thay từ “wings” bằng từ “gliders” hoặc “paraglider”. Chi tiết tham khảo thêm bài viết này trên trang FlyBubble.

Khi các bạn đã có kinh nghiệm bay, bạn có thể dần dần khám phá sang các phạm trù kia … Như tôi đây hiện có tận 5 6 cái dù, mỗi cái chuyên cho một mục đích khác nhau… dù chở khách này, dù lên đỉnh này, dù dạt nhà này, dù sờ xoạng này, dù chấm lỗ này, v.v. Nói chung toàn đồ chơi vô bổ, tốn tiền tốn thời gian hết. Các bạn đừng như tôi.

Lựa chọn cấp độ dù

Dù cũng có “phân khối” đấy. Phân khối càng lớn thì bay càng phê … nhưng tất nhiên đánh đổi với sự phê đó là khó điều khiển hơn và … dễ chết hơn. Phân khối của dù thì được đo bằng khái niệm “aspect ratio”, hiểu nôm na là độ mỏng và dài của dù. Aspect ratio càng cao thì dù càng lả lướt, mỏng, dài, mảnh mai. Aspect ratio thấp thì dù to, béo, tròn, và chắc nịch. Aspect ratio được đo bằng số, dao động trong khoảng từ 4.5 đến 8. Học viên mới bay thì nên dùng dù aspect ratio dưới 5.3.

Học viên mới chỉ nên bay dù Aspect Ratio 5.3 trở xuống!

Bên cạnh aspect ratio, một cách khác cộng đồng dù lượn cũng thường sử dụng để phân cấp độ đó là các “hạng”. Hạng dù của Pháp và Đức sử dụng (và nay cả thể giới dùng) được viết tắt là EN. Trong đó họ phân các cấp dù thành A, B, C, D dựa theo độ an toàn. Mỗi một mẫu dù sẽ trải qua 1 loạt các bài kiểm tra gắt gao và hành vi của dù sẽ được chấm điểm. Khi tất cả đều đạt điểm A thì dù được xếp hạng En-A, tức là rất an toàn. Chỉ cần dính 1 con B dù sẽ vào hạng En-B … tương tự như vậy vào En-C.

Mặc dù bài test này chỉ test về độ an toàn, không test về performance (độ lướt), nhưng thường thì kết quả của nó cũng phản ánh khá chính xác. Thậm chí ngày nay, người ta còn dùng luôn hệ phân cấp này để nói về độ hot (độ lướt) của dù. Bảng tương quan giữa En-A, B, C như sau:

  • En-A: Aspect ratio khoảng dưới 5.0 – dành cho beginner.
  • En-B low: Aspect ratio khoảng 5.0 ~ 5.3 – dành cho các beignner máu me một chút.
  • En-B high: Aspect ratio khoảng 5.4 ~ 5.8 – dành cho các phi công hạng trung, máu me bay cao bay xa. Cả En-B low và En-B high thực ra đều chỉ là En-B, nhưng một cái thì sát A, một cái thì sát C.
  • En-C: Aspect ratio vào khoảng 6.0 ~ 7.0 – dành cho các phi công chiến. Dù En-C nhìn chung sẽ không tự phục hồi trong các tình huống xấu. Đòi hỏi phi công phải tự sửa trong các tình huống cận kề sống chết.
  • En-D: Aspect ratio khoảng trên 7.0 – dành cho các phi công siêu siêu chiến, phi công thi đấu v.v. Cả Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10 người bay dù D trở lên thôi.

Nói tóm lại, bạn là học viên mới thì nên chọn dù A. Tham khảo bài viết này về luận điểm học viên nên sử dụng dù en A thậm chí đến hết cấp P3.

Lựa chọn size dù

Điểm này thì dù lại khác xe máy. Tuỳ theo cân nặng của bạn mà kích cỡ của dù cũng khác nhau, khá giống mua quần áo. Thông thường một mẫu thiết kế dù sẽ có nhiều size, bao quát các dải cân khác nhau. Lưu ý rằng đây không phải là dải cân của phi công, mà là dải cân cánh dù chịu tải khi bay, nghĩa là tổng trọng lượng của phi công + dù + tất cả các trang thiết bị.

Cách tôi hay tính một cách gần đúng là lấy cận nặng của mình cộng thêm 15kg. Nếu kết quả vào tương đối giữa giữa của dải cân dù thì ổn. Ví dụ tôi nặng 68kg, cộng 15kg thiết bị thành 83kg. Vậy cỡ dù lý tưởng của tôi là dù 70-90 hoặc 75-95 (nếu sử dụng đai nặng).

Thực ra, bạn cũng có thể bay sát vào hai cận của dải cân (người ta hay gọi là cận trên hoặc cận dưới) cũng vẫn an toàn. Tuy nhiên cái gì vào giữa được thì cứ vào là hơn.

Thường thì bay nhẹ dù sẽ hơi “lềnh bềnh”, bay nặng thì dù dụ sẽ hơi “dữ dằn”. Bạn muốn có một chút của cả 2.

Tìm hiều về đai ngồi – Harness

Đai ngồi (harness): là chiếc “ghế” của phi công khi bay dù lượn trên trời. Nếu như cánh dù quyết định chất lượng của đường bay, chiếc harness lại phần nào quyết định sự thoải mái và độ ổn định cho phi công. Nhưng chiếc đai tốt có khung gầm chắc chắn, có khả năng hấp thụ và phân tán lực tốt, giúp phi công thư giãn và bớt tốn năng lượng.

Một chiếc đai dù lượn có các chức năng:

  • “Buộc” phi công lên dù
  • Bảo vệ phần lưng và mông trong trường hợp va chạm
  • Chứa và tích hợp hệ thông giật dù phụ
  • Đựng đồ đạc cá nhân như balo, túi kén, v.v.
  • V.v.

Lựa chọn loại đai

Giống như dù, đai cũng có vô vàn các chủng loại. Tôi tạm chia nó thành các nhóm đơn giản (gần đúng) như sau:

  • Sexy harness – Đai leo núi: thường rất mỏng và nhẹ, thiết kế tối giản để leo núi cho nhẹ. Các chiếc đai này chỉ có duy nhất chức năng “buộc” phi công lên dù thôi.
  • First harness – Đai cho beginner: là các đai che chắn vững chắc, thiết kế đơn giản, dễ tập dễ bay, hơp với học viên
  • Pod harness – Đai kén (như hình dưới): là các đai có thiết kế khí động học, giảm lực cản, tăng độ lướt. Thường là cũng kèm theo vô số các chức năng chuyên nghiệp khác.

Là học viên, các đai First Harness là phù hợp nhất với bạn.

Đai kén (Pod / Cocoon Harness) vs đai ngồi:

Khi có kinh nghiệm bay nhất định, bạn có thể cân nhắc lên cấp chiếc đai kén.

Đai kén (Pod / Cocoon Harness) là chiếc đai có bọc phần chân phi công ở tư thế duỗi thẳng, nhằm tối ưu về mặt khí động học.

Ưu điểm và lợi ích của đai kén

  • Khí động học tốt hơn, giúp toàn hệ thống cải thiện một chút tỷ số lượn
  • Ấm hơn trong những ngày lạnh. Khi chân ấm rồi, mặc dù mặt và tay hở ra ngoài, cơ thể bạn vẫn cảm thấy ấm hơn, do không phải tản năng lượng sưởi ấm quá nhiều phần
  • Thường có hệ thống Cockpit (mặt dán thiết bị dẫn hướng) đi kèm

Nhược điểm của đai kén

  • Mất thêm động tác ra vào đai khi cất cánh, hạ cánh. Với các phi công có một chút kinh nghiệm, việc này không mấy quan trọng.
  • Khi dù gặp sự cố, khả năng xảy ra twist (xoắn dây dù) cao hơn. Dù có thể đổi hướng nhanh hơn khối phi công + đai (do trọng tâm trải dài ra hơn). Cách khắc phục tốt nhất là tập phản xạ bất cứ lúc nào có biến phải nhanh chóng co chân, thu người lại.

Đào sâu vào đai kén

Bản thân trong thế giới đai kén lại có vô vàn các mẫu mã chủng loại khác nhau. Có thể tạm chia chúng theo các phân khúc cân nặng.

  • Dòng đai kén leo núi (Hiking Pod Harness): dưới 3kg
  • Dòng đai kén phổ thông (XC Pod Harness): từ 3 – 5kg
  • Dòng đai kén chiến (Competition Pod Harness): trên 5kg

Đào sâu vào đai chiến

Đai chiến là dòng đai thi đấu được thiết kế với các tính năng đặc biệt, phục vụ cho mục đích bay đường trường XC và thi đấu tốc độ. Các tính năng đặc biệt ấy gồm:

  • Trọng lượng nặng. Giúp tăng tính độ đầm và hấp thụ bớt nhiễu động.
  • Khung gầm kiên cố kèm với mút bảo vệ dày dặn.
  • Chất liệu vải dày, bền, chịu mài mòn, quăng quật tốt, đặc biệt phần mông.
  • Có 02 ngăn đựng dù phụ
  • Có ngăn đựng Anti-G
  • Có nhiều ngăn chưa ballast
  • Có đuôi cá khí động học
  • Có hệ thống ABS, giúp phi công nhanh chóng chuyển giữa 2 trạng thái: nhiều thông tin hoặc trạng thái ổn định.

Nếu được sử dụng phù hợp, đai chiến là công cụ tuyệt vời. Nhưng nếu sử dụng không hợp lý, đai chiến là một gánh nặng theo nghĩa đen cho phi công. Ta hãy nên cân nhắc dùng đai chiến nếu có càng nhiều các điều kiện sau:

  • Cánh dù cấp độ cao (D trở lên). Với các dù thấp, bản thân cánh dù đã rất đầm và ít truyền thông tin rồi. Chiếc đai chiến sẽ lại càng lọc bớt thêm thông tin.
  • Thường xuyên bay điều kiện mạnh, thermal khoẻ và xóc.
  • Giao thông từ điểm cất và điểm hạ dễ dàng, ít phải mang vác.
  • Phi công có kỹ năng phòng chống và xử lý twist thật tốt (twist là ác mộng của phi công trong các sự cố). Đối với đai chiến, rủi ro twist còn lớn hơn nữa.

Tìm hiều về Dù phụ – Reserve

Dù phụ (reserve parachute): là dạng dù nhảy phi công dù lượn mang theo để sẵn sàng tung ra trong trường hợp dù chính gặp sự cố không thể phục hồi được. Dù phụ có ba dạng: dù tròn, dù vuông, dù lái được (Rogallo); nhưng cả ba đều có chung đặc điểm nhỏ gọn, mở nhanh, và dễ mở.

Dù phụ dạng tròn là loại đơn giản nhất, rẻ tiền nhất, dễ gấp nhất, và đáng tin cậy nhất nhì. Hơn 80% số dù phụ trên thế giới là dạng dù tròn. Các dù phụ tròn đạt tiêu chuẩn có sink rate khoảng 5 – 6m/s.

Dù phụ dạng vuông có kết cấu gần giống với tròn, nhưng cho phép không khí thoát ra ở 4 đỉnh nhiều hơn ở cạnh, do đó hành vi rơi “ổn định” hơn một chút so với dù tròn. Các testing cũng chỉ ra rằng với cùng một diện tích vải, dù phụ vuông cho ra sink rate thấp hơn; tức là để đạt được cùng 1 sink rate thì tốn vải hơn cho dù tròn (khoảng 5%).

Dù phụ lái được Rogallo (trái tim, tam giác) có kết cấu hoàn toàn khác; khi ném ra, nó có hành vi gần giống một cánh dù lượn (chậm hơn), có thể “lượn” và lái được. Tỷ số lượn của nó khoảng 1:1 (một cánh dù lượn en A có thể lượn 1:6), sink rate khoảng 2.5-4m/s. Ưu điểm tuyệt vời của Rogallo là tiếp đất êm, và chọn được điểm hạ cánh. Nhưng đánh đổi là đắt, khó gấp, và phần nào kém tin cậy hơn.

Các phi công dùng Rogallo thường mang ít nhất 02 dù phụ lên, một chiếc Rogallo và một chiếc tròn / vuông, để tận dụng được điểm mạnh của mỗi dòng. Khi cao, ném chiếc Rogallo; khi thấp, ném chiếc tròn / vuông.

Một biến thể trong dòng Rogallo ưu việt hơn cả là “tam giác”, khi vừa ném ra, có kết cấu và hành vi gần giống như dù vuông (không khí thoát ra ở 3 đỉnh thay vì 4 đỉnh như dù vuông), an toàn, dễ mở. Sau khi dù đã mở và đã thu dù chính rồi, nếu còn độ cao, phi công có thể activate van mép sau, đưa biên dạng nó trở thành một chiếc Rogallo trái tim, lái được.

Bảng so sánh tương quan các chỉ số (gần đúng) của các dòng dù phụ:

các chỉ số của các dòng dù phụ: tròn vuông trái tim tam giác: Độ tin cậy (dễ mở) Tốc độ mở Độ ổn định khi rơi Rủi ro downplane Sink rate Glide ratio Độ dễ gấp
các chỉ số của các dòng dù phụ: Davinci Comma S Davinci Comma M Apco Mayday 16 Tải trọng công bố Sink rate Diện tích

Tìm hiều về mũ bảo hiểm cho dù lượn – Paragliding Helmet

Mũ bảo hiểm dù lượn (paragliding helmet): là loại mũ bảo hiểm thiết kế chuyên dụng cho bộ môn dù lượn, với các đặc điểm: nhẹ hơn, tầm nhìn thoáng hơn, bề mặt phẳng hơn (tránh mắc dây), và phần gáy vát hơn, cho phép cử động ngửa dễ dàng hơn.

Nhiều phi công vẫn đang dùng mũ thông thường cho môn dù lượn. Việc này rất không nên. Nếu có điều kiện, hãy sắm cho mình những chiếc mũ thật ngon.

Trong mũ dù lượn cũng có nhiều dòng nhất định. Nếu bạn là phi công mới, tôi khuyến nghị nên chọn dòng mũ có bảo vệ cằm, bởi xác suất “sấp mặt” của phi công mới là luôn hiện hữu. Khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn có thể cân nhắc dùng các dòng mũ ¾ khác.

Có nên gắn GoPro lên mũ dù lượn không?

Bạn không nên gắn GoPro hoặc các thiết bị ghi hình khác lên mũ dù lượn. Trọng lượng của mũ và khả năng linh hoạt lắc qua lắc lại bị giảm thiểu. Ngoài ra, nếu xảy ra mắc dây dù, hậu quả sẽ lớn hơn nhiều.

Nếu rất rất muốn ghi lại khoảnh khắc bay, tôi khuyến nghị bạn nên dùng băng dính dán hai bên GoPro, nối liền xuống mũ; để nếu dây quệt vào thì nó trượt đi ngay, không gây mắc.

Các lưu ý khác khi chọn và sử dụng mũ dù lượn

Cách đây không lâu, tôi đọc được một bài viết rất hay về mũ bảo hiểm dù lượn. Đọc mà hết hồn luôn. Các bạn có thể đọc bài gốc tại đường link này. Tôi tóm tắt một số ý chính như sau:

  • Phần xốp trong hầu hết các mũ, trước giờ nhìn cứ thấy nhôm nhựa đểu đểu, hoá ra nhôm nhựa như vậy mới là tốt, tác dụng của nó là có thể dễ dàng “xẹp” khi va chạm, tăng thời gian giảm tốc của đầu, qua đó giảm lực.
  • Phần vỏ cứng bên ngoài có tác dụng dàn đều lực tác động lên một vùng rộng hơn, đồng thời bảo vệ đầu khỏi các vật nhọn có thể đâm thủng lớp xốp bên trong. Ngoài ra còn có tác dụng nữa là giúp đầu “trượt” trên các bề mặt va chạm, giảm rủi ro xoay, vẹo, gãy cổ.
  • Chính vì thế mà các mũ cứ gắn lắm thứ hầm bà lằng lên (GoPro) là tăng rủi ro vẹo / gãy cổ
  • Mũ khí động học đuôi nhọn cũng tệ, vì cùng lý do trên
  • Mũ xe đạp cũng tệ, vì phần xốp và vỏ cứng bên ngoài đều chỉ được 1/2, giảm nhiều hiệu quả bảo vệ (bọn xe đạp nó cần thoáng nên đành phải chấp nhận, mình ko cần)
  • Mũ phải chặt và khít với đầu, thế thì lực mới tản ra được tốt
  • Quai cằm phải chặt, kẻo va chạm liên hoàn mà mũ bị xộc xệch thì còn phản tác dụng
  • Mỗi lần va chạm, kể cả mũ nhìn còn rất ngon, hãy thay mũ mới, vì có thể có những đường nứt vô hình, giảm đáng kể hiệu quả bảo vệ
  • Kể cả ko bị va chạm gì, cứ 5 năm nên đổi mũ 1 lần, vì chất liệu cũng có thể bị xuống cấp 1 cách tự nhiên

Tìm hiểu về các thiết bị dẫn đường – Flight Computer

Dù lượn trông thế thôi chứ nó cũng là một môn chơi khá công nghệ cao đó với khá nhiều trang thiết bị điện tử và các phần mềm khác nhau. Bài viết này hi vọng giải đáp được một phần nào đó vô vàn các thắc mắc của các bạn về một mớ mông lung đó.

Trên cockpit của phi công có gì?

Các phi công tuỳ cấp độ và nhu cầu có thể mang một hoặc nhiều trang thiết bị hỗ trợ lên trời. Ngày nay, nhiều thiết bị đã tích hợp được nhiều chức năng trong một, nên số lượng “máy” móc mang lên trời đã giảm đi đôi chút. Vì yếu tố lòng ghép loằng ngoằng nên tôi phân loại theo chức năng, chứ ko nói theo thiết bị. Vậy, có những mảng chức năng sau đây mà thiết bị nào đó phải đáp ứng được. Tôi xếp theo thứ tự quan trọng.

  • Chức năng ghi Tracklog (GPS toàn bộ đường bay). Cần cho mọi cấp độ. Chức năng này gần như tất cả smartphone và một số Vario làm được (Smartphone làm việc này rất tốt, vì nó có khả năng kết nối internet và up dữ liệu ngay khi hạ cánh). “CV” bay của một phi công thực chất là một kho dữ liệu tracklog của tất cả các chuyến bay. Khi tôi nói tôi đã có trên 150 giờ bay, nếu không đưa ra được tracklog làm chứng thì sẽ không ai tin. Nếu trong set thiết bị có 02 thiết bị ghi được tracklog thì càng tốt, đề phòng bạn bay được 1 chuyến rất tốt mà 1 tracklog bị lỗi.
  • Chức năng báo lên xuống. Cần cho P2 trở lên. Nghĩa là gì? Nghĩa là phi công được thông báo về sự đi lên (hay đi xuống) của dù mình, thông qua âm thanh (tí là lên, tèo là xuống). Khi bay cao trên trời, xa các địa tiêu, việc xác định bằng mắt đôi khi rất khó. Có âm thanh tức thời như vậy sẽ giúp việc bay hiệu xuất hơn. Chức năng này có ở tất cả các thiết bị Vario và các Bip (là các vario thu nhỏ, chỉ có tiếng, không có màn hình, tên do tôi tự nghĩ ra). Các smartphone cũng có thể làm được, nhưng tín hiệu không nhạy bằng vario chuyên dụng.
  • Chức năng hiện thông số bay. Cần cho P2 trở lên. Chức năng này có ở tất cả các vario truyền thống và đương nhiên có ở các thiết bị cao cấp hơn. Smartphone cũng có thể làm khá tốt, nhưng hơi bị lag một chút.
  • Chức năng bản đồ. Cần cho P3 P4. Khi phi công bay rất cao, hoặc bay rất xa, việc xác định đường bằng mắt đôi khi không tối ưu, mà cần đến bản đồ điện tử. Chức năng này các “GPS” thời xưa làm tốt; nhiều vario hiện đại ngày nay đã tích hợp chức năng này vào luôn; ngoài ra smartphone cũng có thể làm việc này rất tốt. Thậm chí nhiều phi công còn thích sử dụng bản đồ trên điện thoại hơn là các thiết bị chuyên dụng.

Các thông số quan trọng nhất khi bay là

  • Lift/sink: cập nhật trực tiếp tốc độ lên / xuống theo phương thẳng đứng, thường được đo bằng m/s. Đây chính là hiển thị giá trị số của tiếng tí tèo nói ở trên. Phi công nào bay quen thiết bị của mình thậm chí ko cần nhìn màn hình mà chỉ cần nghe tiếng cũng đủ biết gần đúng mình đang lên hay xuống bao nhiêu.
  • Ground speed: tốc độ so với mặt đất, thường được đo bằng km/h. Đây là chỉ số quan trọng để xác định gió, cũng như tính toán đường bay.
  • Altitude: độ cao (so với điểm gì thì tuỳ chỉnh, nhưng thường hay được set so với mực nước biển). Độ cao đối với phi công cũng giống như tiền vốn đối với người kinh doanh. Càng cao thì càng chủ động. Càng thấp thì càng phải tính toán điểm hạ cánh.
  • Ngoài ra còn vô vàn các thông số bổ trợ khác: la bàn hướng bay; độ cao so với mặt đất, ước lượng tốc độ gió, vận tốc tối ưu, khoảng cách về đích, vân vân vân vân … Xem thêm ở Từ điển dù lượn.

Trang bị Flight Computer thế nào cho kinh tế và hiệu quả?

Nếu bạn có tiền, có thời gian, có khả năng công nghệ, hãy mua một thiết bị tích hợp tất cả trong một. Có nhiều thiết bị làm được việc này, nhưng nổi tiếng nhất là Naviter Oudie (liên hệ dealer Duy), Flymaster (liên hệ dealer Bim), Alpha Pilot (liên hệ dealer Tú ngẫn). Cập nhật 2020: AlphaPilot rất hay hỏng, hiện rất ít phi công còn dùng) giá khoảng 12-15 triệu VNĐ. 

Nếu bạn có ngân sách hạn hẹp hơn chút, tôi sẽ lại tư vấn cho bạn một bộ thiết bị tối giản hoàn toàn về chi phí, nhưng vẫn đủ hết các chức năng đó là combo:

Một chiếc smartphone (bạn đã có sẵn rồi), chi phí: 0đ

Một chiếc BIP báo âm thanh lên xuống, chi phí: 1~2 triệu. Nếu muốn xịn hơn chút, bạn có thể sử dụng hàng có BLuetooth và GPS, có thể bắn tín hiệu thẳng vào smartphone và độc lập ghi tracklog riêng (dự phòng trong trường hợp tracklog chính bị lỗi) tầm 4 ~ 5 triệu, nhưng vẫn rẻ hơn là mua tất cả các loại vario ngoài kia. Thiết bị này do dealer Hiệp Kit bán. Bạn tham khảo SkyBean và Skydrop.

Chiếc BIP kia bổ sung điểm yếu nhất của smartphone đó chính là sự “lag”. Khắc phục được điểm yếu này rồi, chiếc smartphone của bạn trở nên rất mạnh mẽ, không thua kém gì các thiết bị chuyên dụng hơn chục củ kia.

Chú ý: nếu bay lâu trên trời, cần trang bị pin dự phòng, cắm liên tục vào smartphone. Ngoài ra, cũng cần độ mặt sần sùi để dán smartphone lên cockpit.

Cập nhật 2019: tôi gần đây mới chuyển từ Oudie sang dùng hoàn toàn Combo iPhone + SkyDrop (với chi phí rẻ bằng 1/3) và tôi hoàn toàn hài lòng về công năng. Thậm chí tôi thấy dùng iPhone còn sướng hơn Oudie.

Tìm hiểu về các thiết bị khác

Ở trên tôi đã giới thiệu các thiết bị cần thiết nhất, mang đầy tính chuyên môn. Dưới đây là các thiết bị ít quan trọng hơn chút xíu, nên gộp hết lại một chương cho gọn.

  • Bộ đàm (radio)
  • Giày cao cổ
  • Dù giảm ly tâm (Anti-G)
  • Túi nước tăng tải (Ballast)
  • Điện thoại vệ tinh (InReach)
  • Dao cắt dây (hook knife)

Bộ đàm (radio)

Có 2 loại sóng chính là VHF và UHF. Sóng VHF đi xa hơn, nhưng khả năng đâm xuyên kém hơn UHF.

Ở Việt Nam, hầu hết cá CLB và sự kiện đều sử dụng tần số VHF. Ở một số nước khác (VD: Úc, Mỹ) họ dùng cả tần UHF nữa. Nếu bạn chỉ bay ở Việt Nam, chỉ cần mua đàm có VHF. Nếu muốn bay ở nhiều nơi, tốt nhất nên trang bị đàm có cả 2 loại sóng.

Một số dòng bộ đàm đã được sử dụng nhiều năm ở VN và đã được chứng minh:

  • Icom V88 VHF: Một sản phẩm của Nhật. Chỉ có VHF, khá khó sử dụng, nhưng chất lượng hoàn thiện, chất lượng âm thanh, và độ tin cậy tuyệt vời. Nếu là HLV, nên độ pin dung lượng lớn hơn (nói sẽ tốn pin hơn nghe rất nhiều). 
  • TYT: Một sản phẩm của TQ. Có cả VHF và UHF. Dễ sử dụng. To và cục mịch hơn chút. Nhưng độ bền, chất lượng âm thanh tốt.
  • Xiaomi: Một sản phẩm của TQ. Có cả VHF và UHF. Giá ngang với TYT. Dễ sử dụng. Dáng khá thời thượng (trông như 1 chiếc điện thoại). Chất lượng âm thanh tốt. Ưu điểm khác là có thể sạc bằng cổng Type C, rất tiện lợi. Nên độ ăng ten xịn hơn để tăng tầm xa thu phát sóng.

Nên tránh xa: Các dòng khác của TQ như Baofeng, v.v. Không phải vì chất lượng của nó không tốt, mà vì các dòng này có rất nhiều hàng nhái. Mua về khá rủi ro.

Giày cao cổ

Chấn thương phổ biến nhất trong môn dù lượn đều là các chấn thương liên quan đến cổ chân. Giầy cao cổ giúp giảm đáng kể rủi ro này. Các loại giày leo núi thông thường đều làm việc này khá tốt. Chỉ khi nào kỹ năng cất hạ cánh rất tốt, ta mới nên tìm đến những chiếc giày thấp cổ thoải mái hơn.

Dù giảm ly tâm (Anti G)

Động tác giảm độ cao Spiral thường đi kèm với lực ly tâm lớn, làm tăng G. Với các cánh dù cao, G lại càng tăng nhiều. Spiral khi ở stage 5, G có thể lên đến 4 ~ 5. Nếu chưa qua luyện tập, rất nhiều người trong chúng ta có thể bị ngất. (def element: có thể tạm hiểu G là số lần trọng lượng cơ thể ta phải chịu. Trong đời sống thường ngày, chúng ta ở trạng thái 1 G. VD: khi ngồi trên chiếc máy bay đang chạy đà cất cánh, ta cảm thấy ghế thúc mạnh vào lưng mình, ấn về phía trước, lúc này ta ở trạng thái khoảng 1.2 – 1.5G)

Dù Anti G được sinh ra để làm giảm hiệu ứng này: giảm G trong cùng một hiệu quả sink rate, hoặc tăng sink rate cho một lượng G nhất định.

Các đai thi đấu thường có ngăn riêng thiết kế để chứa anti G. Với các đai khác, ta có thể đấu trực tiếp vào 1 bên carabiner (sẽ quay spiral bên đó).

Dù Anti G là một sản phẩm nâng cao, chỉ cần thiết cho các phi công có nhiều kinh nghiệm và đã rất thành tạo với động tác Spiral.

Túi nước tăng tải (Ballast)

Ballast là cách hiệu quả nhất để tăng trọng lượng cất cánh, để có thể bay sát cận trên của dù hơn. Ballast có kết cấu đơn giản như một túi đựng nước, nhưng được làm bằng chất liệu rất bền, có kết hợp thêm các phương án vòi, để có thể xả khi đang bay.

Ballast có các loại 3L, 5L, 8L. Đa số các đai kén đều có ngăn đựng ballast.

Nhiều khi, không cần quá phức tạp hoá vấn đề. Nếu chỉ cần tăng trọng khoảng 2 – 3kg, ta hoàn toàn có thể sử dụng túi uống nước của dân chạy bộ thông thường để làm ballast.

Điện thoại vệ tinh (InReach)

Điều gì xảy ra nếu bạn hạ cánh trong một vùng khỉ ho cò gáy, không có sóng điện thoại? Điều gì xảy ra nếu bạn gặp sự cố cần kêu cứu khẩn cấp mà không có kênh liên lạc nào?

Có là những lúc phải dùng đến điện thoại vệ tinh, mà sản phẩm nổi tiếng nhất là InReach của Garmin.

Sản phẩm này cần thiết hơn đối với các phi công thường xuyên bay đường trường XC và thường xuyên bay ở vùng có sóng điện thoại kém (VD: Úc, Nepal, India, v.v.). Ở Việt Nam, đáng ngạc nhiên rằng sóng điện thoại phủ rất tốt.

Dao cắt dây (Hook Knife)

Với hầu hết các sự cố trên không, ta có thể ném dù phụ và hạ cánh hầu hết là an toàn. Nhưng nếu bị chui vào trong vòm dù, không thể ném dù phụ, cả hệ thống như một “gói xôi” rơi xuống … phải làm gì đây? Mặt đất đang tiến lại gần rất nhanh, ta còn 15 giây nữa trước khi chạm đất … PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?

Giải pháp duy nhất lúc này là rút Hook Knife ra, cắt dây dù chính, đục một lỗ vừa đủ để có thể ném được dù phụ ra!

Với các thông tin và kiến thức trong cả bài viết này, bạn đã có thể tự tin đi mua sắm, trao đổi thẳng thắn với các dealer cáo già rồi đấy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *