Thi Đấu HCCX – Dù Lượn

Thi Đấu HCCX – Dù Lượn

Trong không khí người người nhà nhà nô nức đi thi HCCX, tôi xin chia sẻ cho các anh em về luật, chiến thuật, cũng như các mẹo khác để giúp anh em luyện tập và có được thành tích tốt nhất!

Table of Contents

Luật thi HCCX

Nếu muốn tìm hiểu luật chi ly, xin tham khảo các văn bản chính thống. Ở đây tôi liệt kê ra một vài yếu tố chi tiết mà rất nhiều anh em hay bị nhầm hoặc mắc phải dẫn đến bị mất điểm đáng tiếc!

Cách tính điểm

  • Một cuộc thi có nhiều vòng. Thời tiết càng thuận lợi và BTC càng tốt thì sẽ có càng nhiều vòng. Mỗi vòng, thí sinh cố gắng hạ càng gần hồng tâm càng tốt.
  • Mỗi 1 cm cách xa hồng tâm tương đương 1 điểm. Càng ít điểm càng tốt.
  • Nếu hạ ngoài bán kính 5m, mặc định 500 điểm luôn.
  • Tổng điểm của cả cuộc thi bằng tổng điểm của tất cả các vòng.

Các chú ý khác về luật

  • Nơi phần đầu tiên của cơ thể chạm xuống đất là vị trí tính điểm
  • Phải tiếp đất bằng chân, sau đó kiểm soát cho dù chạm đất. Lúc đó kết quả mới đc công nhận. Nếu chạm đai, tự động 500 điểm.
  • Không được stall dù. Stall tự động 500 điểm luôn.
  • Các giải không cấm vẫy (flap), nhưng CLB HKPB cấm hành động này. Chúng ta sẽ thi đấu bằng kỹ thuật speedlanding.
  • Trước khi cất cánh phải thông báo và được BTC chấp nhận. Trong quá trình bay phải tuyệt đối nghe theo lệnh chỉ huy điều hướng giao thông của BTC. Nếu không đáp ứng sẽ bị 500 điểm vòng đó hoặc có khi bị loại luôn.
  • Nếu sau khi thực hiện bài thi cảm thấy điểm không đúng, phải khiếu nại ngay và KHÔNG ký vào tờ kết quả. Một khi đã ký vào là miễn phúc tra.

Chiến thuật HCCX Style HKPB

Chúng ta sẽ hạ cánh một cách duyên dáng như hiệp sỹ mà không sử dụng bất cứ kỹ thuật nguy hiểm nào (vẫy). Có 02 phần trong chiến thuật này, mức độ quan trọng không hề hơn kém nhau.

  • Đầu tiên phải hạ tương đối gần hồng tâm, với sai số tối đa 5 mét. Đây là kỹ thuật thuần tuý P1.
  • Tiếp theo, sử dụng kỹ thuật Speedlanding để biến sai số 5 mét thành hoàn toàn chính xác!

Hạ gần chính xác

Các mẹo và kỹ thuật để hạ gần chính xác!

  • Trước khi cất cánh, nghe lỏm các thông tin từ BTC để đoán điều kiện gió dưới bãi hạ, chuẩn bị trước trong đầu tuyến hạ cũng như vị trí tâm số 8.
  • Trong quá trình bay, nhìn chỉ số Ground Speed trên vario để đoán hướng và tốc độ gió ở bãi hạ!
  • Số 8 không cần chuẩn chỉ hoàn toàn như thi P1, nhưng vẫn cần giữ nguyên các yếu tố chính đó là: Giảm độ cao trước tâm, không bị tính tiến quá nhiều, đường lướt cuối tương đối “dài” (về mặt thời gian) để có thể hoàn toàn ổn định dù.
  • Mới các mức phanh khác nhau, dù của chúng ta có thể tăng giảm góc lượn khá nhiều. Căn làm sao để tâm nằm TRONG khoảng góc lượn này. Khi đó, trên đường lướt cuối chỉ việc đi thẳng và dùng phanh để chỉnh góc lượn hợp lý nhất để xuống đúng tâm.
  • Nếu chẳng may thiếu quá -> KHÔNG có cách nào để sửa
  • Nếu chẳng may thừa quá -> có thể quay thêm 1 nửa số 8 nữa (nếu đủ xa), hoặc có thể đi ziczac để tăng quãng đường. Tuy nhiên cả 2 cách này đều làm cho dù mất cân bằng lúc gần tâm. Rất KHÔNG nên áp dụng
  • Trên đường lướt cuối, tư thế chuẩn nhất là TỲ ngực nhiều xuống dưới. Mắt dán vào tâm (thường mắt nhìn vào đâu thì sẽ hạ vào đó). Tay active flying nhẹ nhàng. Chân co nhẹ, ở tư thế sẵn sàng tiếp đất nhưng cũng sẵn sàng co chân lên. Chỉ đi thẳng trên trục về tâm, rất hạn chế rẽ này nọ. Chỉ có thể ngắn hoặc dài, chứ ko bao giờ nên bị lệch trái hoặc phải!
  • Chú ý: khi gió to, tâm số 8 ở gần hồng tâm hơn khi gió nhỏ! Thậm chí với những ngày gió to, tâm số 8 có thể ở ngay trên đầu hồng tâm!

Hạ cánh vào cmn hồng tâm! – speedlanding!

Một khi làm phần 1 kia tốt, bạn đã có thể hạ đâu đó vào khá gần hồng tâm rồi. Đây là lúc áp dụng thêm kỹ thuật Speedlanding! Vì sao? Vì với kỹ thuật này, phi công có thể căn sao cho cơ thể mình lướt khoảng 5 – 10m SONG SONG với mặt đất. Nếu căn lý tưởng, ở tư thế co chân, phi công có thể chủ động đạp trúng hồng tâm bất cứ vị trí nào trên đường lướt song song dài đến 5-10m như kia.

Ở kỹ thuật speedlanding này, thực ra các dù cao lại có lợi thế hơn một chút (tuy nhiên không có nghĩa là dù A không làm được). Do đó những phi công đang bay dù B, không nên cố đổi về cánh dù A không quen cữ lái như nhiều phi công khác vẫn hay làm.

Chú ý, để cách này được hiệu quả, phi công cần thực hiện kỹ thuật speed landing rất tốt! Nếu không, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng chân chạm đất ở nhịp đầu trước khi kịp đến tâm; hoặc có thể không kiểm soát năng lượng tốt, bị bổng lên đúng vị trí hồng tâm….

Cách thực hiện cụ thể

  • Thực hiện Phần 1 như ở trên thật chuẩn chỉ!
  • Trên đường lướt cuối, phi công rà phanh khoảng 30 – 40%. Khi chân cách mặt đất khoảng 5 mét cao, phi công đột ngột nhả phanh lên! Mức kéo phanh cụ thể cũng như khoảng cách 5m trên chỉ là ước tính. Phi công cần thực hành nhiều lần trên cánh dù và đai của chính mình để có cảm nhận chính xác!
  • Dù sẽ bổ trước và lao sà xuống. Lúc này phi công không nên tác động vào dù, chỉ cần giữ hướng thẳng, chân co dần lên để tránh chạm đất trước điểm mong muốn.
  • Khi cơ thể (theo nguyên lý con lắc giống pitching) sà xuống, tiếp tục kệ nó, cho đến khi người xuống đến điểm thấp nhất (sát đất nhất) của chu trình quả lắc, mới …
  • … TỪ TỪ TỪ (nhớ là rất từ từ) kéo thật nhẹ phanh. Vừa kéo vừa kiểm soát năng lượng. Đây là giai đoạn mà cơ thể phi công đang đi NGANG trên mặt đất (mặc dù cánh dù thì dần đổ ra sau)
  • Trên trạng thái đi ngang đó, khi nào người lướt qua hồng tâm thì thò chân ĐẠP! Sau đó có thể lướt tiếp hoặc chạy thêm thì tuỳ!

1 Comment

  1. thank you very much

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *