Từ điển dù lượn

những người chơi dù lượn

Bước vào thế giới dù lượn cũng gần giống việc học một ngôn ngữ mới vậy, có vô vàn các khái niệm hiện tượng tương tác biến hoá với nhau khôn lường, để giải thích hiện tượng này lại cần kiến thức về khái niệm khác vân vân

Table of Contents

Kiểu bay

  • Airborne (e bon): Là kiểu bay đơn giản nhất, cơ bản nhất, bay thẳng từ bãi cất cánh về bãi hạ cánh. Kiểu bay này dùng cho các học viên mới làm quen bầu trời. Ngoài ra, kể cả phi công có kinh nghiệm nếu không tìm được lực nâng thì cũng phải chịu chung “số phận” …
  • Sledge-ride: mang ý nghĩa giống hệt airborne kia. Từ này được cộng đồng dù lượn thế giới dùng nhiều nhất, nhưng lại hầu như không ai dùng ở Việt Nam.
  • Thermal flying: Còn gọi là bay cao. Sử dụng các cột khí nóng để lấy độ cao. Với bay thermal, phi công có thể lên đến hàng ngàn mét, cao đến tận chân mây.
  • Trigger: Là các điểm kích hoạt thermal. Thông thường, khi bề mặt đất đốt nóng, không nhất thiết thermal sẽ bốc tại đó, mà nó sẽ trườn đến các điểm “trigger” kia để rời mặt đất. Các điểm trigger thường có chênh nhiệt độ lớn, hoặc là nơi có địa hình nhọn lên.
  • Thermal source: Là nguồn của thermal, nơi mặt đất trực tiếp bị đốt nóng. Không khí (nóng) từ vị trí này không nhất thiết sẽ bốc lên luôn mà có thể trườn đến nơi phụ hợp (trigger) rồi mất kết nối với mặt đất và bốc lên.
  • House thermal (thermal tủ): Với từng loại địa hình (ở các điểm bay nhất định), có một vài điểm thường có thermal trigger. Các phi công quen ở điểm bay này thường đi đến đó để có xác xuất bắt được thermal tốt nhất.
  • Cloudbase (Chân mây / trần mây): Thông thường, các cụm mây bông (cumulus) là đỉnh của các cột thermal. Các phi công bay thermal sẽ cố gắng leo lên trần này, rồi tìm cách bay sang các cột khí nóng khác.
  • (Ridge) Soaring (cà vách / cặp vách): Từ soaring được cộng đồng dù lượn Việt Nam hiểu như ý nghĩa bay trong lực nâng của gió đập vào vách núi rồi hất lên. Trên thế giới, từ soaring mang nghĩa rộng hơn. Thậm chí người ta còn hay nói “thermal soaring”, nghĩa là cà trong vùng khí thermal.
  • Dynamic lift: Lực nâng do gió đập vào vách núi rồi hất lên. Đây là cơ sở cho kiểu bay “cặp vách”.
  • Cross Country (XC) (Bay đường trường): Là một kiểu bay mà mục tiêu của phi công là đi càng xa càng tốt. Phi công sẽ dùng thermal để bay lên thật cao rồi dùng độ cao đó để đi xa.
  • Bomb-out (xịt): Dùng để chỉ về việc các phi công ko bắt được lực nâng trong các ngày kỳ vọng bay được xa và phải hạ cánh sớm.
  • Way-point (turn-point): là các điểm đã được định sẵn trên bản đồ để các phi công tìm cách bay đến / bay qua.
  • Task: Là một tập hợp có thứ tự của nhiều waypoint / turnpoint. Trong các cuộc thi đấu, ban tổ chức rất hay đặt ra các task như vậy để các phi công hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể.
  • Ground Handling / Kite (cai): Chỉ về các hoạt động tập luyện với dù khi chân vẫn chạm đất. Tập mặt đất rất bổ ích cho quá trình cất cánh cũng như quá trình bay.
  • Acro: Là một kiểu bay đặc biệt, phi công không đặt mục tiêu bay xa, mà chỉ thực hiện các động tác nhào lộn biểu diễn.
  • PWC: Viết tắt của Paragliding World Cup, là giải thi đấu đường trường cấp độ cao nhất của dù lượn thế giới.
  • X-Alps: Chỉ về một cuộc thi đấu hike & fly lớn nhất thế giới, phi công phải bay hoặc vác bộ vượt qua dãy núi Alps ở Châu Âu. Khái niệm này cũng từ đó được sử dụng để nói về các trang thiết bị nhẹ.
  • Accuracy (Hạ cánh chính xác): Là một thể thức thi đấu dù lượn, phi công hạ cánh càng sát một điểm đã định sẵn (tâm) thì càng được điểm tốt.

Dù và trang thiết bị

  • Glide Ratio (Góc lượn): Gọi chuẩn ra là “tỷ số lượn”, tức là tỷ lệ chuyển hoá độ cao thành quãng đường. Các dù hiện đại ngày nay thường có góc lượn khoảng 1:9 1:10, trong điều kiện lý tưởng.
  • En: Là hệ thống kiểm định độ an toàn của dù. Các dù phải trải qua một loạt các bài kiểm tra cực đoan, có sẵn; hành vi của dù càng lành thì càng được điểm cao (A). Có các mức: En-A, B, C, D, v.v.
  • Control Toggle (Dây lái): Từ này ít được sử dụng, nhưng nó chuẩn hơn để nói về dây lái (là dây nối trực tiếp với mép sau cùng của dù).
  • Riser: phần dưới cùng của hệ thống dây dù, nơi trực tiếp gắn vào carabiner. Toàn bộ hệ thống dây dù được tóm gọn vào các riser, phân thành các nhóm với chức năng riêng biệt để thực hiện các động tác khi bay.
  • Stabilo line (dây B ngoài): Là dây nối vào mép ngoài cùng của hai bên dù. Dây này có tác dụng đặc biệt tốt trong trường hợp cravat.
  • Carabiner: Là hai mắc khoá liên kết giữa dù và đai. Đây là điểm kiên cố nhất của hệ thống bay. Nó thường được dùng để điểm quy chiếu khi mô tả rất nhiều kỹ thuật và khái niệm khác.
  • Harness (Đai ngồi): Là chiếc “ghế” của phi công trên trời. Chiếc ghế này buộc chặt vào phi công để đảm bảo phi công không thể bị rơi ra khi bay.
  • Airbag (harness): là loại bảo vệ mông của đai dùng công nghệ “túi khí”, được bơm nhờ vào AS của phi công và dù khi đang bay.
  • Cocoon (harness) (Đai kén): Là loại đai có thiết kế khí động học, giảm lực cản. Phần chân của phi công được bọc kín và phi công ngồi trong tư thế duỗi chân.
  • Pod (harness) (Đai kén): Là loại đai có thiết kế khí động học, giảm lực cản. Phần chân của phi công được bọc kín và phi công ngồi trong tư thế duỗi chân.
  • Speedbar (Thanh tăng tốc): Là hệ thống làm giảm góc tấn của dù (kéo mép trước dù xuống), làm tăng tốc dù (nhưng thường là cũng tăng sink rate). Phi công tác động vào hệ thống bằng chân, thông qua thanh speedbar
  • Reserve (dù phụ): Có cấu tạo gần giống một chiếc dù tròn, nhưng với trọng lượng nhỏ gọn hơn. Dù phụ được gắn vào đai, thông qua 3 vị trí chính là: mông, bụng, và vai. Đọc thêm về dù phụ ở link nầy.
  • Variometer (vario): là thiết bị đo độ cao (altitude) và độ biến thiên độ cao (sink/climb rate) cho phi công. Ngày nay, đa số các vario còn được tích hợp thêm nhiều tính năng nữa như GPS, bản đồ, v.v.
  • Flight Computer: là thiết bị hỗ trợ bay tích hợp tất cả các tính năng có thể vào: gồm vario, GPS, bản đồ, các tính toán thống số bay khác. Có thể kể đến một số Flight computer nổi tiếng như: Naviter Oudie …
  • Porosity (poro): là chỉ số đo độ thấm khí của dù, là thước đo quan trọng nhất và chính xác nhất về độ “cũ” của dù. Được tính bằng số giây không khí cần để chui xuyên qua lớp vải dù. Poro càng thấp thì dù càng giống cái “màn”, càng cao càng tốt. Thông thường, poro trên 50 được coi là an toàn, trên 100 được coi là tốt, trên 200 là khá tốt, trên 300 người ta nản không đo nữa. Dù mới tinh rơi vào khoảng 400 – 500.

Tình huống ăn mứt các loại

  • Mayday: là khẩu lệnh quốc tế để báo hiệu, cảnh báo, hoặc thông báo về các trường hợp khẩn cấp.
  • Collapse (Sụp): Vòm dù sụp, gãy biên dạng cánh, thường là nói về các trường hợp sụp kích hoạt từ mép trước. Có hai loại collapse chính là Frontal Collapse (toàn dù) và Asymetric Collapse (1 phần).
  • Asymetric Collapse (Sụp 1 bên): Là một loại Collapse mà chỉ một bên dù bị sụp. Bản chất việc Asymetric Collapse không hại, nhưng cái hại là nó có thể gây ra đổi hướng dù hoặc đưa dù vào trạng thái Spiral Dive không kiểm soát.
  • Frontal Collapse (Sụp toàn dù): Là một loại Collapse mà toàn bộ cánh dù sụp. Mặc dù trông rất ghê nhưng hiện tượng này không nguy hiểm, dù sẽ tự phục hồi được nhanh chóng miễn là phi công đừng phá.
  • Cravat: Khi mép bên của dù bị xoắn và mắc vào bên trong dù, dẫn đến việc dù không thể phục hồi được. Cravat nguy hiểm hơn cả collapse chính là ở yếu tố không thể gỡ này.
  • Stall (Thất tốc / Triệt nâng): Là hiện tượng mà dòng chảy qua 2 bề mặt dù bị gián đoạn quá mức chịu đựng, dù không duy trì được lực nâng và cũng bị mất biên dạng cánh. Stall bị gây ra do góc tấn lớn (phanh quá sâu quá lâu)
  • Spin: Là trạng thái dù xoay tại chỗ, với tâm xoay gần chính giữa dù. Spin xảy ra khi một nửa cánh bay lùi và một nửa cánh bay tiến, được tạo bằng cách stall một nửa dù.
  • Spiral Dive: Là trạng thái dù liên tục rẽ rất sâu về một hướng, tới mức độ mép trước của dù cắm thẳng xuống đất. Spiral là một cách để giảm độ cao nhanh, nhưng nó cũng tạo ra lực G rất lớn, có thể gây choáng cho phi công. Khi Spiral, sink rate của dù có thể lên đến 14m/s, vận tốc văng 120km/h. Là một kỹ thuật nguy hiểm. Xin xem báo cáo sự cố này.
  • Twist (xoắn): Khi đai bị xoay một hoặc nhiều vòng từ trạng thái hướng thẳng tự nhiên về phía trước. Twist bản thân nó không quá nguy hiểm, nhưng trong các tình huống khẩn cấp, nếu xảy ra twist cộng vào hoàn cảnh thì khả năng gỡ phục hồi khó lên rất nhiều.
  • Cloud suck (mây hút): Khi thermal phát triển quá mạnh trong các ngày instability (không ổn định), các đám mây giông dễ được hình thành, khi đó, lực hút lên nó rất mạnh, phi công sẽ gặp rủi ro bị hút lên rất cao và không thoát ra được. Kèm theo sẽ là các rủi ro sét đánh, thiếu oxy, lạnh, v.v.

Thông số

  • Altitude (Alt): Độ cao. Thường được đo bằng mét (m).
  • AGL (Above Ground Level): Độ cao so với mặt đất tại vị trí của phi công chiếu thẳng xuống.
    ASL / AMSL (Above mean sea level): Độ cao so với mực nước biển.
  • Sink / climb rate: Tốc độ rơi hoặc lên tính theo phương thẳng đứng. Thường được đo bằng m/s. Tốc độ rơi mặc định của hầu hết các dù là khoảng 1 – 1.2 m/s.
  • Ground Speed (GS): Tốc độ theo phương ngang của dù, so với mặt đất. GS là tổng của AS và tốc độ gió (cả cường độ và hướng). Thường được đo bằng km/h.
  • Airspeed (AS): Tốc độ so với gió của dù. Vì vận tốc này lấy hệ quy chiếu chính là khối không khí xung quanh dù, nên AS gần như là cố định với từng vị trí lái + trọng lượng cất cánh + cấu tạo dù, bất kể điều kiện bên ngoài.
  • Trimspeed: Là vận tốc mặc định của dù trong điều kiện không có gió và phi công hoàn toàn ko tác động lên phanh và speedbar. Trim speed ngày nay của các dù thường là 36-38km/h.
  • Min speed (stall speed): Là vận tốc airspeed nhỏ nhất dù có thể đạt được trước khi bị rơi vào trạng thái stall. Các dù ngày nay thường có min speed vào khoảng 20 – 22km/h.
  • Polar curve: Là một đường cong đồ thị miêu tả tương quan của 2 thông số: Sink rate và Airspeed, và qua đó diễn tả được luôn Glide ratio (góc lượn). Tuỳ vào hoàn cảnh và chiến lược mà phi công chọn cho mình vị trí phanh (hoặc speedbar) để tối ưu một yếu tố gì đó. VD: khi có nguy cơ bị thổi lùi, phi công cần bay với Airspeed tối đa (max speed). Khi tìm kiếm lực nâng, phi công bay Best glide để đi được xa nhất, v.v.
  • Full glide (trim / hands up): Là trạng thái bay mặc định ở trimspeed, phi công không tác động bất cứ điều gì lên dù. Ở trạng thái này, thường các dù có AS khoảng 36-38km/h và sink khoảng 1.1 m/s.
  • Min sink: Là trạng thái bay cho ra tốc độ rơi thấp nhất có thể. Trạng thái này thường được dùng khi bay thermal, khi mà độ lướt không phải là yếu tố quan trọng nhất. Tuỳ vào dù, nhưng min sink thường đạt được khi kéo phanh khoảng 20 – 50%.
  • Best glide: Là trạng thái bay cho ra góc lượn tốt nhất, nghĩa là dù lướt đi được xa nhất. Trạng thái này thường được sử dụng khi phi công lướt đi giữa các điểm. Mỗi dù có một vị trí best glide khác nhau. Ở các dù cấp độ cao, best glide lại thường đạt được khi đạp một chút speedbar. Đa số các dù B+ có best glide ở trim.

Thời tiết và khí tượng

  • Turbulent (nhiễu động): là khi các dòng không khí không dy chuyển đều mà lại dy chuyển hỗn loạn các hướng khác nhau. Turbulent rất nguy hiểm đối với dù lượn.
  • Rotor: là một loại nhiễu động đặc biệt, khi không khí không chuyển động theo chiều ngang / dọc, mà lại cuộn tròn. Rotor thường được tạo ra khi gió thổi qua vật cản, ở khu vực sau vật cản. Khi cất cánh gió sau, nếu chỉ nhìn vào một ống gió thì rất khó phát hiện ra rotor, cần hết sức lưu ý.
  • Stability / Instability:
  • Lapse rate
  • Pressure
  • Inversion

Điều khiển dù

  • Angle of Attack (Góc tấn): Là góc tạo nên giữa trục biên dạng cánh và hướng đi của dù. Hiểu nôm na là độ “ngửa” của dù. Góc tấn lớn giảm rủi ro Collapse nhưng lại tăng rủi ro Stall. (Và ngược lại)
  • CHECK: Là một khẩu lệnh được cộng đồng dù quốc tế sử dụng để ra hiệu kéo phanh (để chống dù pitch bổ trước).
  • Slalom: Là một bài tập kiting (hoặc cho paramotor), mà phi công phải đi zic zac qua các điểm đã định sẵn.
  • Forward: Là động tác cất cánh trong suốt quá trình phi công hướng thẳng cùng với hướng chuyển động của dù. Thường được dùng trong điều kiện gió yếu.
  • Reverse: Là động tác cất cánh mà ở giải đoạn dựng dù, phi công đứng ngược với hướng chuyển động của dù, để dễ dàng quan sát được dù. Đây là kiểu cất cánh phổ biến nhất.
  • Cobra: Là động tác dựng dù / cất cánh kiểu rắn hổ mang, tức là một bên mép dù lên trước rồi từ từ cả dù mới lên, giống đầu con rắn ngoi lên vậy. Cobra rất có lợi ở các địa điểm cất cánh gió to và diện tích hạn chế. Ngoài ra, tập cobra trên mặt đất cũng rất tốt cho kỹ năng kiting.
  • Pitch (Bổ dọc): Có 3 trạng thái dù không thẳng trên đầu: Pitch (dọc), Roll (ngang), Yaw (xoay). Pitch nói về phương dọc, dù không đổi hướng.
  • Roll (Bổ ngang): Có 3 trạng thái dù không thẳng trên đầu: Pitch (dọc), Roll (ngang), Yaw (xoay). Roll nói về phương ngang, 2 mép dù lệch nhau. Roll chủ yếu được tạo nên bởi Weight Shift.
  • Yaw (Xoay): Có 3 trạng thái dù không thẳng trên đầu: Pitch (dọc), Roll (ngang), Yaw (xoay). Yaw nói về trục xoay.
  • Brake (Phanh): Gọi chuẩn hơn thì là “dây lái”, nối với mép sau cùng của dù, là cổng giao tiếp chính của phi công đối với cánh dù khi bay trên trời.
  • Weight Shift: Là biện pháp điều khiển dù bằng cách thay đổi áp lực không đồng đều lên hai carabiner (dẫn đến hai nửa vòm dù mỗi bên).
  • Flare (Hết phanh): Là động tác kéo hết phanh dù khi gần chạm đất, triệt động năng, chuyển thành một lực nâng nhẹ để phi công tiếp đất nhẹ nhàng nhất có thể.
  • Flap (Vẫy): Là một kỹ thuật kéo phanh rất sâu nhưng không liên tiếp, để giảm tốc độ tiến của dù tối đa mà không làm dù bị stall. Kỹ thuật này dùng để giảm góc lượn, để hạ cánh trong các khu vực rất hẹp.
  • Wing-over: Là kỹ thuật nhào lộn cơ bản, dù “đánh võng” trái phải đồng thời văng người phi công lên cao, thậm chí có lúc còn cao hơn tâm dù.
  • SAT: Là một động tác acro. Một dạng biến thể của Spiral, dù không cắm thẳng mặt xuống đất mà xoay quanh phi công theo một trục chéo khó miêu tả = lời nhưng rất đẹp mắt. Chống chỉ định cho phi công dưới 500h.
  • SIV: Là khoá học các tình huống khẩn cấp. Phi công sẽ mặc áo phao, bay trên hồ nước, dưới sự giám sát của HLV và tập các kỹ thuật rất khó và nguy hiểm.

Thi đấu

  • Comp (competition): Là một “giải” thi đấu, thường kéo dài nhiều ngày, gồm nhiều “task” nhỏ, có sự tham gia của hàng chục và hàng trăm VĐV khác nhau.
  • Task: Hiểu nôm na là một “chặng thi” hoặc “đề thi”. Một cuộc thi sẽ gồm nhiều ngày, mỗi ngày có 1 task. Task gồm các toạ độ (waypoint) phi công phải lần lượt bay qua trước khi về đích.
  • Waypoint / Turnpoint: Là các toạ độ cụ thể trong task mà phi công phải lần lượt bay qua. Thường một Waypoint sẽ quy định cả yếu tố radius và exit/entry nữa (xin xem tiếp ở dưới)
  • Cylinder: Là một cột hình trụ vô hình, bao xung quanh toạ độ của điểm waypoint, với “radius” đã được quy định. Các task thường yêu cầu thí sinh phải bay vào hoặc ra các cylinder đó.
  • Radius: Là bán kính xung một điểm waypoint, tạo thành một cylinder
  • Exit / entry: Là cách phi công “chấm” một waypoint / cylinder. Exit nghĩa là phi công ghi điểm khi đi từ trong ra. Entry nghĩa là phi công ghi điểm khi đi từ ngoài vào. Nội dung này thường có ý nghĩa với Waypoint đầu tiên của start, nơi mà có yếu tố thời gian xuất phát. Còn với đa số các waypoint khác, vào hay ra đều không khác biệt nhiều.
  • SSS (start of speed session): Hoặc nhiều nơi chỉ gọi là “Start”, là một waypoint trong task mà ban tổ chức quy ước làm điểm bắt đầu tính giờ.
  • ESS (end of speed session): Đua dù khác với các môn đua khác ở điểm “đích” được chia thành 2 phần khác nhau. ESS là phần mà kết thúc tính giờ. Sau khi cán mốc ESS, phi công không cần đi nhanh nữa, nhưng vẫn cần phải đi tiếp đến cái đích còn lại (Goal) mới được tính là hoàn thành bài task.
    Goal: Là đích cuối cùng. Phi công phải về được goal thì bài thi mới được “công nhận”. Nếu không thì kể cả có đi nhanh đến mấy cũng bị trừ rất nhiều điểm.
  • Gate open: Hiểu nôm na là thời gian “mở cổng”, cho phép các vận động viên được cất cánh, khởi động, lấy độ cao, vào vị trí tốt nhất để chuẩn bị xuất phát. Thường Gate open khoảng 1 giờ trước Start time (thời gian bắt đầu)
  • Start time: Là thời gian bắt đầu đua. Các VĐV thường sẽ dy chuyển đến trước vạch xuất phát (SSS), và căn đúng lúc start time vừa qua thì vượt qua SSS để bắt đầu đua. Nếu chẳng may xuất phát trước Start time thì cả bài thi không được công nhận (xin tham khảo kinh nghiệm đau thương của anh Tú Ngẫn ở Task 4 giải KSD 2019)
  • Deadline: Là thời gian bắt buộc phi công phải “hoàn thành” bài thi. Hoàn thành ở đây được hiểu là bay qua vạch goal, chứ không phải là phải hạ cánh. Xin xem tiếp bên dưới …
  • Land by time: Là thời gian bắt buộc phi công phải hạ cánh. Thường Land by time rơi vào 15 phút sau Deadline.
  • Time point: Điểm mỗi bài task là tổng của 3 điểm nhỏ, trong đó Time point là điểm thời gian. Chỉ được tính khi phi công về được Goal. Bay càng nhanh càng được điểm cao, được tính theo 1 thuật toán dựa vào trung bình của tất cả phi công ngày hôm đó và thời gian của người về nhất.
  • Distance point: Điểm mỗi bài task là tổng của 3 điểm nhỏ, trong đó Distance point là điểm khoảng cách. Các phi công được điểm này tối đa nếu về được đích. Nếu không về được đích thì được một phần, dựa trên tỷ lệ quãng đường bài thi đã kịp hoàn thành.
  • Lead point: Điểm mỗi bài task là tổng của 3 điểm nhỏ, trong đó Lead point là điểm thưởng dành cho các phi công có cách bay táo bạo, luôn vượt lên dẫn đầu các tốp đua (gaggle). Dẫn đầu luôn khó hơn và nhiều rủi ro hơn, điểm này tạo ra để khuyến khích các phi công vượt lên dẫn và cũng để cuộc đua thêm phần hấp dẫn.
  • Gaggle: Trong các comp, các VĐV thường cố bám sát nhau để cùng nhau tận dụng thông tin tổng thể, để cùng bay tốt hơn. Các VĐV cố tách đoàn ra sẽ gặp khó khăn nhất định. Các “đoàn” này gọi là gaggle.

Khác

  • Local pilot (phi công địa phương): Là những phi công sinh sống gần điểm bay nhất định, do đó thân thuộc cả về cách bay lẫn các vấn đề hậu cần ở đó.
  • Landing zone (LZ) (Bãi hạ cánh): Mỗi một điểm bay chuẩn (ngoài bãi cất ra) đều phải có một bãi hạ chính, nơi các phi công bay về khi sắp hết độ cao.
  • Bailout (Bãi hạ dự phòng): Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, bãi hạ dự phòng được sử dụng nếu phi công không đủ độ cao để về bãi hạ chính. Bãi dự phòng thường có vị trí gần bãi cất cánh hơn, và thường không tiện lợi về hậu cần bằng bãi hạ chính.
  • Wind sock (ống gió): Là các cột cố định có gắn vật thể nhẹ có thể bay theo gió, thường được cắm ở các bãi cất cánh hạ cánh để cho phi công biết được hướng và cường độ gió.
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *