Cách bảo quản dù lượn

Cách bảo quản dù lượn

Một cánh dù lượn, nếu được bảo quản tốt, có thể sử dụng đến 10 năm và bay được hơn 500h. Nhưng nếu bảo quản không tốt và bay ở biển nhiều thì có thể hỏng trong vòng 1 năm với dưới 50h bay.

Table of Contents

Từ hồi có chiếc máy đo thấm khí (Porosity) và thâm nhập sâu vào thị trường dù 2nd hand, tôi có dịp nắm được tình trạng của rất nhiều cánh dù khác nhau, tương ứng với phong cách, kiểu bay, và lối bảo quản của các ông bà chủ.

Phản ứng của đa số các ông bà chủ khi đọc “bệnh án” chiếc dù yêu quý của mình là … bàng hoàng, u buồn, rồi đến chối bỏ. Ai cũng quả quyết chắc chắn đo sai, chứ làm gì có chuyện chiếc dù mới bay chưa đến 10h nay đã thành dù tập sao?

Chuyện như đùa nhưng cứ rập khuôn lần nào cũng đúng như “mô típ” vậy đó.

Đến nay, sau khi thu thập được khối lượng thông tin đủ lớn, tôi cũng đúc kết ra được các quy luật đủ tính xác thực để chia sẻ với các bạn, giúp tránh các câu chuyện buồn như trên không tiếp diễn nữa.

Chú ý:

Porosity (thấm khí vải) mặc dù bản thân nó chỉ là một trong rất nhiều điều kiện cần để cánh dù bay an toàn, nhưng nó là thước đo khá tốt phản ánh tình trạng chung của cả cánh (dây, mấu may, biên dạng cánh, độ dãn vải, v.v.). Porosity vẫn được cộng đồng dù sử dụng như một thước đo chính để xác định tình trạng của một cánh dù.

Các tác nhân làm giảm tuổi thọ vải dù

Điều quan trọng nhất của một người giữ dù tốt là hiểu được tận bản chất các tác nhân gây giảm tuổi thọ (vải) dù, thay vì chỉ nhớ vẹt các mẹo này nọ rồi áp dụng máy móc rồi không biến hóa được với những tình huống lạ. Dưới đây ta sẽ cùng nói về các tác nhân, xếp theo mức độ quan trọng.

Wing loading - Tải trọng trên vải

Bản thân vải dù khi bay phải chịu nhiều lực kéo giãn, chính tác động này gây ra các vết nứt vô hình trên vải dù. Ta thấy khi đo porosity, các cell bên trên, và ở giữa bao giờ cũng kém hơn các cell ở cánh, mặc dù rõ ràng cả cánh dù cùng chịu các tác nhân như nắng, gió, ẩm, v.v. như nhau.

Các cánh dù của các hãng uy tín, nếu được thiết kế tốt sẽ có tải trọng được dải đều ở các cell, hoặc được lựa chọn loại vải phù hợp ở từng vùng, sẽ có tuổi thọ tốt hơn.

Đối với người dùng chúng ta muốn giảm thiểu tác nhân này, hãy bay ở tải trọng phù hợp (không quá sát cận trên) và hạn chế làm các động tác cực đoan (spiral, B stall, stall, kéo tời, v.v.) khi không cần thiết.

Nắng và nóng

Vài dù lượn được phủ một lớp bảo vệ bên trên. Khi bị tiếp xúc trong thời gian dài với nắng hoặc nhiệt độ cao sẽ bị yếu dần đi.

Để làm giảm tác nhân này, chú ý tuyệt đối không cất giữ dù trên ô tô. Ngoài ra trong khi bay, chỉ mở dù ra lúc bay thôi, không nên mở ra rồi trải ra bãi quá sớm trước khi bay, để dù chịu nắng không cần thiết. Khi hạ cánh, ngay lập tức đưa dù vào khu vực râm mát và KHÔNG nên gấp dù ngay nếu bề mặt vẫn còn nóng. Hãy để cho nó có cơ hội được “hả hơi” trước khi gấp kín lại.

Ma sát

Ngoài nắng ra, lớp bảo vệ trên vải dù cũng có thể yếu mòn đi thông qua ma sát. Hạn chế bay / tập ở các địa hình sỏi đất đá. Khi trải dù, vừa trải vừa phật phật dù để tránh kéo lên mặt đất.

Ẩm

Lớp bảo vệ vải dù cũng không ưa ẩm ướt. Ở các ngày nồm (độ ẩm trên 70%), hãy để dù trong phòng máy lạnh hoặc có máy hút ẩm. Với các ngày thông thường, cũng không cần thiết phải cực đoan đến nỗi bọc kín lại rồi hút ẩm. Bạn có thể để dù ở môi trường thông thoáng, tương đối khô ráo là được.

Muối

Muối là chất diệt vi trùng … buồn thay là nó cũng diệt luôn cả vải dù. Các dù bay ở biển nhiều thường xuống cấp nhanh hơn nhiều so với các dù bay trong đất liền. Nếu chẳng may phải bay ở biển, kể cả dù không hề chạm nước, bạn hãy mang về khu vực xa biển, mở dù ra cho nó có dịp được “hả hơi”, trước khi gấp kín lại rồi để lâu.

Khi chẳng may dù chạm nước biển, bạn phải dùng nước ngọt rửa sạch ngay khi có thể, sau đó phơi ở nơi thoáng mát và KHÔNG nắng.

Bảo quản dây dù

Không bẻ dây

Dây dù của chúng ta không được thiết kế để chịu lực bẻ. Bạn tuyệt đối không nên tết dây lại như rất nhiều phi công vốn làm theo thói quen. Hãy cứ để dây dù cuốn thành các vòng tròn rộng trong dù thôi. Điều này trông thì có vẻ “lộn xộn”, nhưng thực ra lại là điều tốt nhất cho dây, mà nếu khéo léo thì dây cũng không hề bị rối.

Trimming dây dù thường xuyên

Sau một thời gian sử dụng, các dây dù sẽ bị gião hoặc co lại với biên độ khác nhau, làm cho biên dạng cánh dù không còn hoàn toàn đúng với thiết kế ban đầu. Mỗi dù với mỗi quá trình sử dụng riêng sẽ bị các sai lệch khác nhau, nhưng sau đây là những sai lệch phổ biến nhất:

  • Nhóm Dây A bị gião (dài ra), trong khi dây B C bị co lại. Điều này làm cho dù bị ngửa lên, cất cánh sẽ lâu hơn, và đồng thời có rủi ro stall lớn hơn nếu phanh sâu khi bay.
  • Nhóm dây bên trái hoặc phải sẽ gião (dài ra) nếu phi công có thói quen quay thermal một bên thuận. Các cánh dù của tôi luôn bị lệch như vậy vì tôi quay đến 80% các vòng sang bên trái.

Thay ngay dây nếu bị sờn rách

Nếu bất kỳ sợi dây nào bị sờn rách, hãy thay hoặc vá nó sớm nhất có thể. Càng để lâu, chính sợi dây đó sẽ xuống cấp, có thể đến mức không vá được, phải thay tốn kém hơn. Và trong quá trình đó, các sợi dây xung quanh và phần vải dù không được phân bố lực đều như thiết kế, sẽ gây ra các tai hại khác mà rất khó phát hiện.

Tổng kết / Lời cuối

Tôi đã từng gặp nhiều bạn giữ dù cực đoan lắm. Lên đến điểm bay rồi, mà không dám mở dù ra bay chỉ vì trời hơi hơi ẩm, hoặc vì bãi cất hơi hơi bẩn, v.v. Như thế thì khổ quá, mình đi bay vì niềm vui mà.

Xét cho cùng thì giữ dù hết sức có thể và tránh giảm tuổi thọ những lúc không cần thiết thôi. Nhưng thế nào đi nữa thì cánh dù đẻ ra để phục vụ mình, để mang niềm vui đến cho mình. Việc nó cũ đi và xuống cấp theo thời gian là việc đương nhiên và không thể tránh khỏi. Bạn đừng quá phiền lòng hay bận tâm nhé.

Một cánh dù lượn, nếu được bảo quản tốt, có thể sử dụng đến 10 năm và bay được hơn 500h. Nhưng nếu bảo quản không tốt và bay ở biển nhiều thì có thể hỏng trong vòng 2 năm với dưới 100h bay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *