Thi đấu XC cơ bản

Nếu như thi đấu Accuracy cần hạ cánh thật chính xác, bay XC thì cần càng XA càng tốt, mục tiêu chung của bay XC Comp là càng NHANH càng tốt,

Table of Contents

Bài viết liên quan

Như các bạn đã biết thì tôi vừa may mắn đạt được vị trí vô địch giải ASEAN Open 2019 tại Khao Sadao Thái Lan, trong lần đầu tiên tham dự một giải đấu đua dù, tiếng Anh tạm gọi là XC Comp. Bề nổi thì là như vậy, nhưng thực ra chỉ cách cuộc thi vài ngày thôi, tôi vẫn vô cùng hoang mang, lơ ngơ về cách đăng ký, thể thức thi, cách tính điểm, cách set thiết bị, chiến thuật v.v. Oái oăm cái là có vẻ các diễn đàn các tài liệu (kể cả nước ngoài nhé) đều tập trung vào các vấn đề cao siêu đâu đâu, còn các thắc mắc đời thường của tôi thì chả đâu nói. Vậy hi vọng quá bài viết này, tôi sẽ tổng hợp đc tất cả những gì bạn cần biết về thi đấu XC, để nếu có lần đầu đi thi thì đỡ bỡ ngỡ như tôi!

Khái niệm sơ bộ

XC Comp là gì?

Hiểu nôm na là hình thức bay thi đấu với mục tiêu NHANH. Nếu như thi đấu Accuracy cần hạ cánh thật chính xác, bay XC thì cần càng XA càng tốt, thì mục tiêu chung nhất của bay XC Comp là càng NHANH càng tốt, đương nhiên là với điều kiện sơ đẳng là phải về được đích, gần giống các thể thức đua khác: đua chạy bộ, đua xe đạp, v.v.

Hiểu nôm na là hình thức bay thi đấu với mục tiêu NHANH. Nếu như thi đấu Accuracy cần hạ cánh thật chính xác, bay XC thì cần càng XA càng tốt, thì mục tiêu chung nhất của bay XC Comp là càng NHANH càng tốt, đương nhiên là với điều kiện sơ đẳng là phải về được đích, gần giống các thể thức đua khác: đua chạy bộ, đua xe đạp, v.v.

Một cuộc thi (gọi là Comp) thường diễn ra trong khoảng 3 – 7 ngày, có nhiều “chặng” (gọi là Task), mỗi ngày thi đấu 1 task. Mỗi một task cũng có thể hiểu như một “đề bài”, gồm các điểm mốc (gọi là Waypoint) mà phi công phải lần lượt bay hết trước khi về đích (gọi là Goal). Sau tất cả các chặng ai được điểm cao nhất sẽ chiến thắng!

Cách tính điểm như thế nào

Trên website của Hiệp hội Thể thao Hàng không Thế giới (FAI), có hẳn cả một tài liệu dày cộp, giải thích cho thuật toán tính điểm, trong đó lằng bà nhằng các công thức rất phức tạp. Nếu bạn chưa có thời gian tìm hiểu, có thể hiểu nôm na như sau:

  • Mỗi phi công thi mỗi Task sẽ được tính điểm dựa vào 3 điểm thành phần: Distance, Time, Lead; phân bổ theo tỷ lệ thường là 40-40-20. Nếu ít phi công về đích quá, thì điểm Distance sẽ đc phân bổ nhiều lên.
  • Điểm Distance: theo đúng tên gọi của nó, là điểm dành cho quãng đường. Phi công nào về được Goal (tất nhiên là trước giờ đóng cửa bài thi) là sẽ được tối đa điểm này. Nếu không về được Goal thì sẽ tính theo hệ số gần bằng % quãng đường đã bay được. Vì sao lại “gần” bằng? Vì còn có cả thuật toán hầm bà lằng tính độ khó của từng khúc trên quãng đường. Đi qua được các khúc khó sẽ được nhiều điểm hơn chút. “Khúc khó” lại phụ thuộc vào việc có bao nhiêu ông khác rụng ở gần đó!
  • Điểm Time: là điểm thời gian, đi càng nhanh (so với ông về nhất) thì càng được điểm này cao. Phi công không về được đích (Goal) thì không được tính điểm Time. Chú ý rằng, để đảm bảo tính an toàn, thì ban tổ chức thường lập ra 1 vạch đích “hờ”, gọi là ESS (End of Speed Section), trước khoảng vài km so với vạch đích chung cuộc (Goal). Mặc dù các vận động viên vẫn phải về được Goal thì mới có điểm Time, nhưng giá trị của điểm Time chỉ được đo bằng thời gian từ vạch Start đến ESS thôi. Sau khi cán ESS rồi, đa số các thí sinh sẽ giảm tốc độ, từ từ lướt về Goal.
  • Điểm Lead: là điểm thưởng thêm cho các phi công dẫn đoàn đua. Càng ở vị trí gần số 1 trong càng nhiều khúc của Task thì càng được điểm này cao. Điểm này được lập ra để khuyến khích các phi công bay xông xáo, giảm chiến thuật “bay phía sau, ăn hôi thằng phía trước”.

Cách tìm, đăng ký, và tham dự các comp

Trông thế thôi, đây cũng là cả một quá trình rắc rối. Trước hết cần hiểu về hệ thống giải XC Comp trên thế giới được tổ chức thế nào?

Trông thế thôi, đây cũng là cả một quá trình rắc rối. Trước hết cần hiểu về hệ thống giải XC Comp trên thế giới được tổ chức thế nào?

Pháp nhân cao nhất để phê duyệt tổ chức các giải thi đấu dù lượn trên thế giới là Hiệp hội các môn thể thao hàng không thế giới (FAI). Nhưng ngoài ra, hệ thống giải đấu phần nào được quan tâm hơn lại đến từ “Hội đồng tổ chức World Cup dù lượn” (PWCA). Ta nói về từng cái một.

Hệ thống giải của FAI

  • Tất cả các giải được FAI công nhận đều được liệt kê đầy đủ trên website: https://www.fai.org/sport/paragliding . Về lý thuyết, chỉ cần xem ở đây thôi là biết đủ tất cả các giải cần quan tâm. Nhưng thông tin trên web chính thống này đôi khi chậm và sát nút, khó lên kế hoạch từ sớm …
  • Các giải của FAI chỉ có 02 loại: Cat.1 (là các giải cấp Châu Lục và Thế giới) và Cat.2 (tất cả các giải còn lại … )
  • Để tham dự giải FAI, bạn phải có cái gọi là “Sporting License”, do chi nhanh của FAI cấp. Ở Việt Nam, đại diện làm mảng này là anh Nguyễn Quang Chuẩn.
  • Tất cả các giải của FAI đều được tính vào hệ thống xếp hạng phi công dù lượn thế giới (WPRS – World Pilot Ranking System), xem ở bài viết này
  • Để dễ dàng match thành tích của bạn vào WPRS, bạn ngoài Sporting Liscense ra, bạn còn cần cái gọi là CIVL ID (nôm na là nick trên hệ thống CIVL WPRS), đăng ký ở đây
  • Giải Cat.1 của FAI rất danh giá, nhưng tổ chức không định kỳ bằng PWCA

Hệ thống giải của PWCA

  • Chú ý rằng PWCA là một tổ chức độc lập so với FAI, họ có hệ thống giải và hệ thống xét duyệt riêng. Xin tham khảo bài viết này trên FanPage Vietnam at PWC.
  • Hệ thống giải của PWCA tính đến hiện nay thì có thể tạm coi gồm 4+ cấp. Cao nhất là PWC Superfinal. Kế đến là Regular season PWC. Thấp hơn 1 chút là PWCA Asian Tour (khởi xướng bởi ông Gin, nhằm thúc đẩy phát triển dù lượn ở Châu Á). Tiếp theo là Pre-PWC. Xem chi tiết các giải PWCA ở đây.
  • Hệ thống xét điểm của PWCA công nhận gần như tất cả các giải của FAI, nhưng có thiên vị cho các giải của chính PWCA tổ chức. Tôi cũng đang hồi hộp xem vô địch giải FAI Cat.2 ở Thái tháng trước thì sẽ được PWCA cho letter gì … khả năng là cũng không cao lắm đâu … xin đọc tiếp về “letter” …
  • PWCA dùng hệ thống “Letter” để xét duyệt. Mỗi một giải phi công tham dự, sẽ đều được gắn một “letter” dựa trên thành tích cũng như chất lượng của giải. Chỉ tính trong 2 năm gần nhất (và không tính năm hiện tại); các giải cũ quá sẽ bị tự động đổi thành X (letter kém nhất). Mỗi phi công sẽ đem 2 letter tốt nhất của mình ra và việc xét duyệt các suất tham dự PWC sẽ thuần tuý theo các 2 letter này. Letter cao nhất xét trước, nếu bằng nhau mới xét đến letter thứ 2. Thông thường, tầm letter E – F – G là bắt đầu (hơi hơi) có hi vọng tham dự được PWC.

Tìm giải tham dự thế nào?

  • Cách hiệu quả nhất là qua đường truyền miệng, bạn sẽ có thông tin từ rất sớm và có thể lên kế hoạch chuẩn bị. Ở Việt Nam mình, có anh Bách và tôi đây chắc là quen nhiều phi công nước ngoài nhiều nhất. Chi tiết xin hỏi 2 khổ chủ trên.
  • Cách nhì là xem trên Airtribune .
  • Sau đó là xem trên FAI, như mô tả ở trên

Ngoài ra còn cần gì nữa?

Mỗi giải đấu sẽ có quy định yêu cầu khác nhau. Nhưng thường sẽ đều gồm có các yếu tố sau:

  • Bảo hiểm, có cover nước tổ chức giải
  • Bằng IPPI, thường là level P4 trở lên. Không có IPPI thì gần như xác định là khỏi tham dự.
  • Chứng minh công dân (Hộ chiếu đó)
  • FAI Sporting Liscense (như nói ở trên)
  • Tất cả các thiết bị đều được kiểm định và đúng tiêu chuẩn (cái này không khó vì ai mà chả có)
  • Cuối cùng là tiền! Lệ phí tham dự các comp thường giao động trong khoảng 100 – 300 EUR, thực ra rẻ hơn nhiều so với việc tự đi bay XC (như tôi đây tự mò mẫm đi Mỹ đi Úc tốn kém lắm …)

Cách đọc và hiểu đề bài task

Các bài task thường được thông báo cho các thí sinh bằng “Task board” format như hình minh hoạ kế bên. Mỗi giải sẽ có một task board format khác xíu xíu, nhưng taskboard nào cũng sẽ có đầy đủ các loại thông tin. Trước hết, phải hiểu một số khái niệm như sau:

TYPE (thể loại đua): Có 3 hình thức đua chính như sau …

  1. Race to goal (1 Gate): Tức là đua chết mẹ về đích. Tất cả các thí sinh sẽ xuất phát cùng một vạch xuất phát (giải thích khái niệm “vạch” sau) và cùng một thời điểm (Gọi là “Start time” hoặc “Start gate” hoặc đôi khi chỉ là “Start”). Đây là hình thức đua phổ biến nhất vì nó hấp dẫn nhất và dễ theo dõi nhất!
  2. Race to goal (nhiều Gate): Hình thức gần giống trên, nhưng khác là phi công có thể chọn nhiều khung khác nhau để xuất phát. Trong Taskboard, cách thể hiện cũng giống hệt, chỉ khác là sẽ có chỉ số “Interval”, tức là bao nhiêu lâu sẽ đến Start gate tiếp theo sau Start gate đầu tiên, và sẽ có bao nhiêu Start gate như vậy. VD: Start time ban đầu là 14:00, nếu interval là 30 phút, và có 3 Start gate, thì các Start gate chung cuộc sẽ là: 14:00, 14:30, 15:00.
  3. Elapsed time: Không quan trọng giờ xuất phát nữa, phi công có thể tuỳ chọn (tất nhiên vẫn trong khung của BTC quy định), và điểm thi từ lúc phi công cán qua vạch xuất phát!

Các quy định về giờ giấc

Các loại giờ (time) khác nhau trong một Task cũng nhiều yếu tố lẫn lộn dễ nhầm. Tôi giải thích từng em một như sau.

  • Start time (Start gate): Là mốc thời gian quan trọng nhất… vì thời gian đua sẽ được tính từ lúc này. Bạn sẽ muốn ở đâu đó gần vạch xuất phát ngay trước thời gian này để có được kết quả đua thuận lợi nhất. Chú ý: nếu bạn bắt đầu bài thi trước thời gian này, toàn bộ bài thi sẽ bị coi là không hợp lệ, hoặc nói một cách khác thì máy chủ hiểu là bạn “chưa” bắt đầu bài thi. Nếu chẳng may đè vạch xuất phát trước vạch này trước Start time, bạn cứ từ từ quay lại sau giờ Start time và bắt đầu lại bài thi một cách hợp lệ đàng hoàng, máy chủ sẽ hiểu lúc đó mới là lần xuất phát “xịn” của bạn. Chi tiết xin hỏi kinh nghiệm đau đớn của anh Tú Ngẫn tại task 4 giải KSD 2019.
  • Open / Close Window: Là 2 mốc thời gian quy định quãng thời gian cho phép phi công cất cánh ra. Nên nhớ rằng cuộc đua chưa được bắt đầu cho đến lúc Start-time. Phi công có cả khoảng thời gian từ lúc Open Window đến Start-time để chuẩn bị tâm lý tinh thần và vào vị trí xuất phát thuận lợi nhất. Thông thường Open Window trước Start-time khoảng 1 tiếng.
  • Task Deadline: Là hạn hoàn thành bài thi. Nếu đến Task deadline mà các phi công chưa về được đích, máy chủ sẽ tính điểm như là nếu phi công “rụng” tại thời điểm đó vào lúc đó.
  • Land by: Thời gian bắt buộc phải hạ cánh, tức là bắt buộc phi công phải ở trên MẶT ĐẤT trước mốc thời gian đó. Thường Land by time sẽ sau Task Deadline khoảng 15 phút.
  • Report by: Là thời gian phi công phải báo cáo hạ cánh an toàn với BTC. Nếu sau mốc thời gian này mà chưa có tín hiệu báo cáo (có thể qua thiết bị vệ tinh hoặc qua tin nhắn), BTC sẽ hiểu là phi công đang bị nạn và mất tích!

Bàn luận về chiến thuật thi đấu

Thi đấu dù lượn thực chất là một cuộc đấu trí chứ không hoàn toàn là đấu chân tay. Nói về phạm trù chiến thuật, có khi viết cả một cuốn sách dày cũng không hết. Ở đây, tôi chỉ điểm qua một vài điểm mấu chốt để anh em nếu có theo dõi một cuộc đua dù cũng dễ dàng cảm nhận thêm các cái hay của nó!

Trước khi lo chuyện bay nhanh, bạn cần sống sót về được đích cái đã!

Nghĩ mà xem, nếu bay nhanh nhưng rụng giữa đường, bạn sẽ KHÔNG có điểm Time, và chỉ ăn khoảng một nửa điểm Distance. Nhưng nếu bay chậm mà về được đích, bạn sẽ có toàn bộ điểm Distance, và một chút điểm Time. Do đó, trước khi tính đến chuyện bay nhanh, mục tiêu hàng đầu của những thí sinh lần đầu bay comp là phải về được đích cái đã. Thực tế là, nếu bạn về đích, bất kể nhanh hay chậm của tất cả các Task trong một comp, bạn cũng đã xếp hạng rất rất cao rồi. Bomb out (rụng) giữa đường là rất hại, rất hại, rất rất hại!

Tốc độ đến từ đâu?

Không như ở môn chạy hay đạp xe, càng khoẻ thì càng đi được nhanh, các cánh dù lượn có tốc độ na ná nhau (nếu cùng một cấp dù), cho nên tốc độ bay (trung bình) thực ra đến từ việc lựa chọn các vùng không khí khác nhau để bay vào. Bay Comp cũng là một dạng bay XC đặc biệt, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có 2 trạng thái: lấy độ cao (thermaling) và tiêu độ cao (glide):

  • Quay thermal tốt! Ai quay tốt hơn sẽ tìm được lõi mạnh nhanh hơn, mà theo đó cũng lấy độ cao nhanh hơn, rồi có thể bắt đầu dy chuyển nhanh hơn. Giả dụ một phi công kẹt ở vùng nâng yếu, khoảng 0.5m/s sẽ mất 4000s để leo từ 200m (bãi cất KSD) lên 2200m (Cloudbase, độ cao tối đa), tức khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Trong khi một phi công khác giỏi hơn (như tôi đây;)) ) bắt được lõi 4m/s thì chỉ mất 500s tức chưa đầy 10 phút để leo lên độ cao tương tự …
  • Chọn line tốt! Chọn các đường glide trên vùng “ít sink” sẽ tiết kiệm độ cao cho bạn, qua đó lại càng đỡ tốn thời gian phải dành cho việc quay thermal. Nếu như trong thermal thì có vùng mạnh có vùng yếu; thì trong chốn sink cũng có chỗ sink ít chỗ sink nhiều. Nhiều khi, mức sink chỉ cần chênh nhau vài chấm thôi, khi lướt qua cả một đường glide dài cả chục km, khác biệt về độ cao (dẫn đến thời gian) là rất lớn!

Rời thermal ở độ cao nào?

Đây là một đánh đổi mang tính chiến thuật giữa tốc độ và rủi ro bomb out. Nếu chiến thuật là ăn chắc mặc bền, chúng ta luôn quay tất cả các thermal lên đến tận cloudbase để đảm bảo cánh dù có đủ “xăng” để lướt các quãng đường gian nan phía trước. Nhưng đôi khi, lực nâng trên cao của thermal lại yếu đi, hoặc đôi khi, cả con thermal chúng ta đang bay đều yếu thì dành thời gian ở đó là rất tốn kém (thời gian).

 

Liều ăn nhiều! Được ăn cả, ngã về không!

Bay thẳng hay bay xiên?

Đôi khi con đường ngắn nhất không phải là nhanh nhất. Thiết bị bay của bạn luôn dẫn hướng bạn theo hướng bay tối ưu về quãng đường, tức là ngắn nhất. Nhưng nếu tuyến đường đó không hề có mây? Liệu chọn một tuyến xa hơn nhưng nhiều lực nâng hơn có tiết kiệm bạn thời gian chung cuộc? Hay là chọn một tuyến ở giữa cả 2 tuyến ấy? V.v. Tôi thấy đây là một trong những quyết định khó nhất khi bay comp. Lên voi hay xuống chó nhiều khi chính ở quyết định này …

Hiểu nôm na là bay tốc độ nào? Full bar Max speed thì đi nhanh nhưng tụt cũng nhanh, mà lại còn dễ collapse. Nhưng bay chậm quá trong vùng sink thì cũng hứng đủ, hoặc kể cả không hứng đủ thì có khi cũng bị cả đoàn vượt hết. Mỗi một tình huống khác nhau, dựa trên các data thực tế cùng với vô số tính toán và phán đoán khác nhau; phi công phải đưa ra tốc độ bay mình thấy phù hợp nhất lại lúc đó.

Nhiều khi, các chiến thuật ở trên còn phải lồng ghép vào với nhau nữa. Như cá nhân tôi bay dù C thi giải Thái vừa rồi, tôi gần như Full-bar mọi lúc mọi nơi và luôn bỏ thermal giữa chừng. Một khi tôi bỏ thermal và Full-bar, các dù khác thường chủ động bay chậm lại đằng sau để quan sát. Tôi khi đó ăn được kha khá điểm Lead-point … Đối với họ, việc họ tăng tốc bay vượt qua tôi để ăn lead-point là quá dễ dàng, nhưng ko ai muốn làm thế. Thà họ ăn 1 chút lead point (cho vị trí #2) và rất ăn chắc mặc bền vẫn hơn là cố thêm 1 chút leadpoint mà rủi ro. Nhưng đối với tôi, cách vượt lên đầu đoàn (biết rằng họ hiểu chiến thuật kia) là cách duy nhất để dù C có thể “hãm” lại tốc độ của vô số ccc khác …

 

Sẽ có một bài viết chuyên sâu hơn về các Mẹo cụ thể khi bay Comp (đang tổng hợp)!

Tôi có nên tham dự comp?

Nếu bạn là một phi công bay thermal tốt và có một chút kinh nghiệm bay XC, tôi rất khuyên bạn nên đi thi đấu ngay và luôn. Nó không khó như mọi người tưởng, và nó giúp bạn học được rất nhiều. Hiếm khi nào bạn lại có một môi trường bay xa mà có nhiều “chuột bạch” trên trời trên cùng một tuyến bay như thế! Hơn nữa, khi đi thi đấu, bạn mới nhận ra biết bao nhiêu điểm (chi tiết) chưa hoàn hảo trong cách bay của mình. Các yếu tố rất nhỏ thôi, nhưng từng tý từng tý một cộng lại trên suốt một quãng đường dài sẽ tạo nên sự khác biệt. Bay một mình thì sẽ ko biết mình bay “chậm” thế nào! Quẩy thôi anh em!!!!