Khi nào cần lên cấp dù

Có một làn sóng không đúng trong làng dù Việt Nam mà tôi đã từng bị cuốn theo, đó là làn sóng: nâng phân khối dù quá sớm!

Table of Contents

Bài viết liên quan

[15/5/2018][Bài viết dành cho mọi phi công]

 

Chú Kim,

 

Bản chất của con người chúng ta là luôn tìm cách đổ lỗi cho ngoại cảnh mà không tự nhìn trách nhiệm về phía mình. Ở một bản chất khác, con người chúng ta cũng dễ bị hành động theo số đông, theo các phong trào, theo các làn sóng v.v. Thật không may, có một làn sóng không đúng trong làng dù Việt Nam mà tôi đã từng bị cuốn theo, đó là làn sóng: nâng phân khối dù quá sớm!

 

Nếu bạn chưa có khái niệm gì về phân loại các cấp độ dù, xin tham khảo bài viết Cánh dù.

Thực tế thì….

Ở đâu đó, người ta vẫn lấy một vài ví dụ về việc một chiếc dù A bay các chuyến bay XC hoành tráng (như chuyến bay 40km Đồi Bù trên dù A của phi công Hưng CLB NewsSky)… Mặc dù luận điểm này đưa ra kết luận giống như tôi mong muốn … Nhưng KHÔNG! Không, tôi sẽ không ùa theo hướng suy nghĩ đó để rồi lại bảo bạn: “đấy, thấy chưa, người ta bay dù A vẫn ngon”. Theo tôi, luận điểm này là không khoa học. Bởi vì làm sao lấy 1 ví dụ mang tính cá thể để đưa ra kết luận tổng quát được. Nhỡ phi công bay dù A đó là siêu sao, nhỡ hôm đó điều kiện thời tiết cực kỳ thuận lợi, nhỡ một loạt các yếu tố khác … ?

Thực tế thì, đã vào các chuyến bay XC cấp độ P4, các dù cấp cao (high B, C, v.v.) rõ ràng có ưu thế hơn các dù A. Tôi sẽ không mù quáng mà khuyên các phi công giỏi, được chuẩn bị đầy đủ kỹ năng kiến thức cứ bay dù A trên các chuyến XC. Dù A có góc lượn kém hơn, nghĩa là với cùng một độ cao, bạn chỉ lướt được một khoảng cách khiêm tốn hơn. Hoặc theo một cách hiểu khác, cùng lướt một quãng đường, dù A tiêu tốn nhiều độ cao hơn, nghĩa là đến thermal tiếp theo ở độ cao thấp hơn. Mà thermal càng thấp càng khó bắt.

 

Vậy, chúng ta hãy tạm đồng ý với nhau rằng, bay XC cấp độ P4 hãy bay dù cấp cao hơn!

Vậy, chúng ta hãy tạm đồng ý với nhau rằng, bay XC cấp độ P4 hãy bay dù cấp cao hơn!

Tình yêu nào cho dù EnA?

Nhưng, các cấp độ P1 P2 P3 thì sao?

 

Ở các cấp độ này, không có lý do gì đủ mạnh để chứng minh dù cấp cao có ưu thế hơn các dù A. Ở cả 3 cấp độ này (bay airborne, bay “lâu” cặp vách soaring, bay “cao” thermal), phi công không cần đến việc có góc lượn (độ lướt) quá lớn. Ở cấp P2, phi công luôn bay trong khu vực tràn trề và thừa thãi lực nâng. Ngay cả ở cấp bay thermal P3, phi công cũng chỉ quay tròn tại chỗ để mong muốn lên cao nhất thôi mà. Trong trường hợp này, miễn phi công tìm được cách bay ở vùng không khí đi lên nhanh hơn tốc độ rơi thẳng (sink rate) của dù, là dù có thể duy trì độ cao hoặc bay lên cao rồi. Sink rate của dù các cấp gần như không khác nhau nhiều.

Chưa kể đến việc, bay các dù cấp cao tiêu tốn một lượng lớn sự tập trung và thoải mái. Phi công liên tục nhận các tín hiệu từ dù truyền xuống riser và dây lái (dù cao rất nhạy khoản này) phải phân tâm về việc làm sao để giữ cho dù của mình căng, không sụp. Tâm trí càng không tĩnh và rảnh thì càng khó quan sát và đánh giá các thông tin khác để bay tốt.

Dùng một hình ảnh ẩn dụ thô thiển thì … một chiếc sport bike 1000cc thì không hề có ưu thế gì so với một chiếc Wave 100cc nếu chỉ đi trong ngõ (P1 P2 P3). Chưa kể là đi 1000cc trong ngõ thì vừa nặng, vừa mệt, vừa nóng.

 

Vậy, hãy lại tạm đồng ý với nhau rằng, tất cả các chuyến bay cấp độ P1 P2 P3 thì dù A hoàn toàn đáp ứng tốt không hề thua kém các dù cấp cao (nếu không muốn nói là tốt hơn).

Cùng dẹp tan các Myths

Vậy, khi gặp các phi công thiếu hiểu biết dìm hàng dù A, bạn cần phản biện như thế nào? Chúng ta cùng lướt qua các Myths phổ biến.

Myth 1: Dù A bay “chậm”?

Tốc độ tiến mặc định (trim speed) của đa số các dù là ngang nhau. Dù A không hề chậm hơn các dù cấp cao là mấy. Nó chỉ kém góc lượn. Các dù cấp cao, vì góc lượn tốt hơn, các phi công có thể thoải mái đạp speedbar để tăng tốc hơn, nên mới có myth này. Ở các điều kiện P1 P2 P3, ít có hoàn cảnh nào mà cần dù bay “nhanh” cả. Khi gió to tiềm ẩn nguy cơ thổi lùi, thì bất cứ dù cấp độ gì cũng không nên bay chứ ko riêng gì dù A.

Myth 2: Dù B dù C bay “sướng” hơn?

Công bằng mà nói thì luận điểm này cũng có phần đúng. Tuy nhiên nhìn rộng ra thì cũng không hẳn là đúng. Khi tôi mới đổi lên dù C, phải nói là bay sướng lắm. Dù thật nhạy, thật tinh tế … Nhưng sau khi nó suýt giết chết tôi thì tôi không thấy cái sự tinh tế kia sướng lắm. Tôi thấy các em điềm đạm hờ hững một chút mới phê.

Myth 3: Anh bay dù A, tụt ghê quá …

Như đã phân tích ở trên, dù A không hề tụt nhanh hơn là mấy so với các dù khác. Gọi chuẩn ra thì phải là … “dù anh góc lượn kém hơn, nên ko lướt về được đến đây”.

Tổng kết lại, tôi cho rằng đây là một tin rất vui. Các học viên ngay từ ngày đầu đi học hãy hoàn toàn tự tin mua một chiếc dù A cho bản thân mình và yên tâm rằng nó hoàn toàn có thể theo sát bạn đến tận hết P3. Tuyệt hơn nữa là giá dù A luôn rẻ hơn các dù cấp độ cao. Chưa kể là tính thanh khoản cao. Dù A thì luôn không thiếu người mua lại nếu bạn chẳng may muốn bán.

 

Chúc bạn tìm được một con dù A ưng ý!